Trang

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Thừa tướng Bính Cát không khoe tốt không kể công


Bài viết của Chân Ngôn
[MINH HUỆ 21-06-2019] Trong “Luận ngữ – Công Dã Tràng” có ghi chép Khổng Tử hỏi chí hướng các học trò là Nhan Uyên, Tử Lộ.
Tử Lộ trả lời rằng: “Con nguyện đem xe ngựa, y phục, áo da của mình cho các bạn cùng sử dụng, dùng hỏng cũng không oán trách.”
Nhan Uyên trả lời: “Con nguyện không khoe tốt không kể công.”
Trong xã hội truyền thống xưa, tiêu chuẩn đạo đức của mọi người phổ biến đều khá cao, phần lớn không kể công đòi thưởng, không kiêu căng tự cao tự đại. Thừa tướng Bính Cát thời Tây Hán chính là một vị hiền thần khiêm cung từ tốn như thế.
Nuôi dưỡng Tuyên Đế trong hoạn nạn
Bính Cát tên chữ là Thiếu Khanh, là người ở đất thuộc nước Lỗ xưa, đã từng là viên quan coi ngục nước Lỗ. Nhiều lần có công lao và được thăng dần lên chức Đình úy hựu giám. Những năm cuối thời Vũ Đế, phụ thân của Hán Tuyên Đế Lưu Tuân là Thái tử Lưu Cứ do bị gian thần là Giang Sung hãm hại mà chết (sử sách gọi là vu cổ chi họa). Lưu Tuân còn bọc trong tã cũng bị liên lụy và bị giam trong ngục Trường An. Bính Cát được điều thụ lý án vu cổ. Trong tâm ông biết cả nhà Lưu Cứ bị oan, thương xót sinh mệnh nhỏ nhoi Lưu Tuân, bèn để nữ tù nhân Hồ Tổ người Vị Thành và Quách Chinh Khanh người Hoài Dương toàn tâm chăm sóc Lưu Tuân.
Đương thời có chiếu lệnh, Lưu Tuân không được ăn những đồ tốt. Bính Cát khi đó có thể được ăn gạo và thịt, ông bèn lấy phần bổng lộc hàng tháng của mình ra cung cấp cho hoàng tôn Lưu Tuân, nhiều lần cung phụng cho hoàng tôn nhưng thức ăn ngon, y phục sạch. Có lúc Bính Cát bị bệnh, ông luôn để thuộc hạ đi thăm hỏi tình hình hoàng tôn bất kể sớm tối, xem tình hình chăn đệm sạch ướt dày mỏng ra sao. Ông còn căn dặn Hồ Tổ và Quách Chinh Khanh không được đến muộn về sớm, không được để hoàng tôn ở đó rồi đi chơi. Sau khi hình phạt nữ tù nhân mãn hạn, Bính Cát đích thân bỏ tiền của mình ra thuê họ tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng Lưu Tuân.
Năm Hậu Nguyên thứ hai, vọng khí giả (chức quan xem phong thủy) thấy trong ngục Trường An có khí thiên tử, nội yết giả (chức quan thông báo sự việc) lệnh Quách Nhương ngay trong đêm đến nhà ngục quận để tìm bắt người có khí thiên tử. Bính Cát đóng chặt cổng, không cho sứ giả vào, đồng thời nói: “Hoàng tằng tôn ở trong đây. Đó là cháu ruột của hoàng đế.” Cứ như thế giữ đến khi trời sáng cũng không cho sứ giả vào. Quách Nhương đành trở về báo cáo với Hán Vũ Đế, đồng thời nhân cơ hội kể tội Bính Cát. Vũ Đế nói: “Đây là Thượng Thiên để cho làm như thế này.” Thế là Vũ Đế đại xá thiên hạ, Lưu Tuân 5 tuổi được ra khỏi nhà ngục. Khi Lưu Tuân lâm bệnh nguy kịch, đang vùng vẫy trước ranh giới sự sống và cái chết, Bính Cát nhiều lần lệnh cho nhũ mẫu nuôi dưỡng hoàng tôn đi mời thầy thuốc, dùng thuốc, và đã chữa khỏi. Lưu Tuân khi đó không gọi là Lưu Tuân mà gọi là Lưu Bệnh Dĩ, đó là cái tên do Bính Cát đặt cho, ý nghĩa là bệnh nặng đã rời xa rồi. Sau khi Lưu Bệnh Dĩ đăng cơ đổi tên là Lưu Tuân, đồng thời đại xá cho những người bị tù do phạm húy cái tên Lưu Bệnh Dĩ.
Thi ân không cầu báo
Năm 74 TCN, Hán Chiêu Đế đột nhiên giá băng, không có con trai kế thừa. Đại thần phụ chính Hoắc Quang và Bính Cát nghênh đón lập Xương Ấp Vương Lưu Hạ làm hoàng đế. Lưu Hạ hoang dâm vô độ. Sử sách chép rằng, Lưu Hạ lên ngôi 27 ngày, bình quân mỗi ngày làm 40 sự việc không hợp với lễ nghi phép tắc, bị truất ngôi vua. Lúc này Bính Cát đã là Quang lộc Đại phu Cấp sự, ông dâng tấu thư cho Hoắc Quang, tiến cử Lưu Bệnh Dĩ, nói rằng Lưu Bệnh Dĩ “thông hiểu kinh sách, thủ thuật, có tài năng, có đức hạnh, tiết kiệm, an hòa”. Đồng thời Bính Cát đề xuất triều đình kết hợp với kết quả chiêm bói, lập Lưu Tuân, được quần thần đồng thuận. Hoắc Quang phái Tông Chính Lưu Đức và Bính Cát đến cung Dịch Đình mà phi tần cư trú để nghênh đón Lưu Tuân. Tháng 9 năm đó, Lưu Tuân đăng cơ, phong Bính Cát làm Quan nội hầu. Nhưng Lưu Tuân không hề biết khi ông còn nhỏ là được Bính Cát cứu mạng và nuôi dưỡng trưởng thành.
Còn Bính Cát thì cũng không bao giờ khoe tốt kể công, không nói đến chuyện này với bất kỳ ai. Năm Địa Tiết thứ 3, một nữ tỳ tên là Tắc hầu hạ các phi tần ở cung Dịch Đình trước kia, bảo người chồng bình dân trước đây của mình dâng thư lên Hoàng đế, nói là mình có công bảo vệ nuôi dưỡng Lưu Tuân, đồng thời nói sứ giả Bính Cát trước đây biết chuyện này. Thế là Dịch Đình lệnh dẫn người nữ tỳ này đến Ngự sử Đại phu phủ để Bính Cát xem có đúng sự thực không. Bính Cát nhận ra người nữ tỳ đó, và nói với nàng ta rằng: “Ngươi đã từng phạm tội dưỡng dục hoàng tôn không cẩn thận mà bị phạt đánh roi, sao lại có thể nói ngươi có công lao? Chỉ có Hồ Tổ ở Vị Thành và Quách Chinh Khanh ở Hoài Dương là có công lao thôi.”
Hoàng đế chiếu lệnh Bính Cát tìm Hồ Tổ và Quách Chinh Khanh, hai người đều đã chết rồi, chỉ có con cháu còn sống, đều được trọng thưởng. Chiếu lệnh xá miễn cho nữ tỳ tên là Tắc làm dân thường, thưởng 10 vạn quan tiền.
Hoàng đế vô cùng cảm kích, cho rằng Bính Cát thực sự là một người đại hiền. Vua truyền chiếu thư cho Thừa tướng Ngụy Tương rằng: “Khi trẫm chưa vinh hiển phú quý, Ngự sử đại phu Bính Cát có ân với trẫm, đức hạnh của ông quả thật rất đẹp. “Kinh Thi” chẳng phải đã nói rồi sao? ‘Quên đức không báo’. Trẫm phong Bính Cát làm Bác Dương Hầu, phong điền ấp 1.300 hộ”.
Gần đến lúc được phong thì Bính Cát mắt bệnh, Hoàng đế lo lắng bệnh Bính Cát không khỏi. Thái tử Thái phó Hạ Hầu Thắng nói với Hoàng đế rằng: “Ông ấy sẽ không chết. Thần nghe nói người tích âm đức nhất định sẽ được hưởng niềm vui do âm đức mang lại, còn kéo dài đến cháu con. Hiện nay âm đức của Bính Cát vẫn chưa được báo đáp thì mắc bệnh nặng như thế này, đây không phải là bệnh mất mạng.” Sau này bệnh của Bính Cát quả nhiên khỏi.
Thời Hán Nguyên Đế, một binh sỹ tên là Tôn ở Trường An dâng thư lên Hoàng đế rằng: “Thần thuở niên thiếu đã từng làm viên quan lại nhỏ ở Quận Để, đã từng thấy Hiếu Tuyên Hoàng đế với thân phận là Hoàng tằng tôn bị giam ở ngục Quận Để. Bính Cát đã dùng tiền của bản thân thuê nữ tù nhân Hồ Tổ nuôi dưỡng Hoàng tôn, có thể nói là công đức vô lượng. Đương thời Bính Cát đâu có dự liệu được Hoàng tôn sẽ làm Hoàng đế? Đâu có nghĩ đến sau này kể công cầu báo đáp. Quả thực là sự biểu hiện tự nhiên tâm địa thuần hậu, nhân nghĩa, thiện lương của ông ấy, Cho dù là Giới Tử Thôi cắt thịt thân mình cho quân chủ ăn, để quân chủ sống, thì cũng không sánh bằng. Khi Hiếu Tuyên Đế còn sống, thần đã từng dâng thư nói rõ tình trạng đương thời, tấu thư may mắn đến tay Bính Cát. Bính Cát vô cùng khiêm tốn, đã bỏ những lời viết về ông ấy trong tấu thư, đem công lao quy hết về Hồ Tổ và Quách Chinh Khanh. Thần tuổi tác đã cao, cuộc sống khốn khó, không biết khi nào sẽ chết, nên cứ nghĩ không nói ra thì e rằng sẽ làm vùi lấp người có công lao.”
Không nói lỗi mà nói đến cái tốt đẹp cho người khác
Bính Cát xuất thân từ viên quan lại nhỏ quản lý án tù, sau này học “Kinh Thi”, “Lễ” mà sáng tỏ đại nghĩa trong đó. Đến khi ông làm thừa tướng, ông có tấm lòng rộng lớn bao dung, thích lễ nhượng, nhường nhịn người khác. Thuộc hạ có tội lỗi hoặc không tròn trách nhiệm, Bính Cát luôn cho họ nghỉ phép dài ngày, để họ tự động từ chức, còn ông không bao giờ tra xét xử lý lỗi lầm của họ.
Đối với các phụ tá quan lại thuộc hạ, Bính Cát luôn không nói lỗi mà nói những cái tốt đẹp của họ. Bính Cát có một viên tiểu lại đánh xe thích uống rượu, nhiều lần không hoàn thành trách nhiệm. Một lần theo Bính Cát ra ngoài, vì say rượu nên nôn ọe trên xe của Thừa tướng. Viên quan phụ trách Tây Tào nói với Bính Cát muốn đuổi viên lại này đi, Bính Cát nói: “Chỉ vì lỗi rượu say cơm no nôn mửa trên xe Thừa tướng mà đuổi ông ta đi, người này sau này làm sao có thể có chỗ dung thân trên đời? Ông hãy nhẫn một chút, bỏ qua cho ông ta đi. Việc này chẳng qua cũng chỉ làm làm bẩn đệm trên xe của ta thôi.” Cuối cùng đã không đuổi người này đi.
Viên lại này là người ở quận biên giới, biết rất rõ sự việc phòng bị, cảnh báo ở biên cương. Có lần đi ra ngoài, vừa vặn thấy người trạm dịch lấy túi thư trắng đỏ xen lẫn, đó là thư báo cáo quân địch xâm nhập biên cương. Viên lại bèn theo người trạm dịch đến xe công nghe ngóng hỏi han tin tức, biết được quân địch đã xâm nhập quận Vân Trung, quận Đại, ông ta lập tức trở về phủ Thừa tướng báo cáo tình hình với Bính Cát, đồng thời kiến nghị: “E rằng những quận biên giới mà giặc Hồ xâm phạm thì quan lại ở Nhị Thiên Thạch có người già cả bệnh tật, không chịu nổi chiến loạn, nên xem xét trước.” Bính Cát cho rằng anh ta nói rất có lý, thế là để Thúc Tào kiểm tra tình hình quan lại các quân biên giới, ghi chép chi tiết tình hình thân thế của họ.
Việc này còn chưa làm xong thì Hoàng đế xuống chiếu triệu kiến Thừa tướng, Ngự sử, hỏi về tình hình quan lại ở các quận biên giới bị giặc Hồ xâm nhập. Bính Cát trả lời tường tận. Ngự sử Đại phu trong lúc vội vã đã không thể nhanh chóng trả lời, bị Hoàng đế khiển trách. Vì vậy Bính Cát được Hoàng đế xem là thừa tướng tốt, làm hết trách nhiệm, lo lắng đến biên phòng, quản lý quan lại cấp dưới rất đắc lực. Bính Cát liền than rằng: “Kẻ sỹ không có người không thể dung nhẫn, tài năng của họ ai nấy đều có sở trường. Nếu như chẳng phải ta nghe theo lời khuyên của viên lại thì làm sao có thể được khen là cần cù làm hết trách nhiệm đây?” Các quan lại thuộc hạ nghe được chuyện này càng thêm khâm phục Bính Cát.
Mùa xuân năm Ngũ Phượng thứ ba, Bính Cát bệnh nặng. Hoàng đế đích thân đến trước giường bệnh hỏi thăm Bính Cát: “Nếu như ngài không may qua đời thì ai có thể thay thế ngài?”
Bính Cát từ tạ nói: “Hành vi, tài năng của các đại thần, quân chủ Thánh minh là rõ ràng nhất, ngu thần không hiểu rõ lắm.”
Hoàng đế kiên trì muốn hỏi, Bính Cát đành phải cúi đầu nói: “Thái thú Tây Hà Đỗ Diên Niên hiểu rõ phát luật, biết thông lệ chuyện cũ của quốc gia, trước kia đã từng làm quan Cửu khanh hơn 10 năm, hiện nay làm ở quận Tây Hà có nhiều thành tích, danh tiếng rất tốt. Đình úy Vu Định Quốc chấp pháp công minh, người trong thiên hạ được ông phán xét đều cảm thấy không oan uổng. Thái bộc Trần Vạn Niên phụng dưỡng mẹ kế vô cùng hiếu thuận, làm việc gì cũng đều rất công chính, đôn hậu. Tài năng ba người này đều hơn thần, hy vọng Hoàng đế lưu tâm tra xét.”
Hoàng đế nhận thấy những lời của Bính Cát đều rất chính xác nên đã đồng ý. Sau này, mấy người này đều xứng đáng với chức trách. Hoàng đế cho rằng Bính Cát là người sáng suốt biết nhìn người.
Theo “Hán thư – Liệt truyện thứ 44 – Bính Cát”

Chuyện kể về Hoa Đà


[MINH HUỆ 31-7-2019] Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, là một thầy thuốc nổi tiếng sống vào những năm cuối thời Đông Hán. Ông là một danh y vào thời Tam Quốc.
Khi còn nhỏ, ông đi du học bên ngoài và chuyên tâm nghiên cứu y thuật. Ông không cầu công danh chốn quan trường. Y thuật của ông phát huy toàn diện, tinh thông về phẫu thuật. Ông được người đời sau gọi là “bậc thánh phẫu thuật”, “ông tổ của phẫu thuật”.
Hoa Đà bái sư
Sử sách viết rằng Hoa Đà từ nhỏ đã nhanh nhẹn, thông tuệ hơn người. Phụ thân qua đời lúc ông bảy tuổi. Cuộc sống trong nhà vô cùng khốn khó. Mẫu thân của ông không còn cách nào khác, bà đành cầu cứu bằng hữu tốt của chồng mình là Thái đại phu dạy Hoa Đà học y thuật. Hoa Đà tuân lệnh mẫu thân vào trong thành gặp Thái đại phu thưa rõ lý do ông đến.
Thái đại phu trong tâm thầm nghĩ: “Phụ thân của Hoa Đà là bằng hữu tốt của ta, nếu như ta không chấp nhận thì họ hàng sẽ rủa ta là ‘người bạc tình bạc nghĩa với bằng hữu’; còn nếu ta chấp nhận thì ta không biết hài tử này có phải là một khối nguyên liệu tốt để học y hay không. Tốt nhất là ta nghĩ cách thử xem thế nào.”
Bấy giờ Thái đại phu nhìn thấy một vài đệ tử của mình đang hái lá dâu trong vườn, nhưng họ không với tới nhánh cây cao nhất và họ cũng không cách nào leo lên cây được.
Ông liền nói với Hoa Đà: “Con có thể nghĩ cách hái những lá dâu ở nhánh cây cao nhất xuống được không?”
Hoa Đà nói: “Con thấy vô cùng đơn giản!”
Hoa Đà nhờ người lấy giúp một sợi dây và buộc một viên đá nhỏ vào, rồi ném sợi dây đó qua nhánh cây. Như thế, nhánh cây đã bị kéo xuống, vậy là lá dâu đã nằm trong tầm tay để hái.
Thái đại phu lại nhìn thấy hai con dê đang tranh nhau, tranh đến mức mắt chúng đỏ cả lên, không ai dám vào tách chúng ra.
Thái đại phu nói: “Hoa Đà, con có thể khiến cho hai con dê tách nhau ra không?”
Hoa Đà đáp lại: “Con thấy việc này dễ xử lý thôi!”
Ngay lập tức chỉ thấy Hoa Đà cầm hai nhúm cỏ tươi quăng ra hai bên chỗ con dê đang đứng. Hai con dê đang tranh nhau mau chóng cảm thấy đói, chúng nhìn thấy nhúm cỏ tươi liền chạy đến ăn. Vậy là chúng tự nhiên tách nhau ra không tranh nữa. Thái đại phu thấy Hoa Đà thông minh, nhanh nhẹn nên ông quyết định nhận Hoa Đà làm đồ đệ.
Y thuật siêu thoát người thường
Trong “Hậu Hán thư” có ghi chép rằng thê tử của Lý tướng quân bị bệnh, ông cho mời Hoa Đà đến chẩn bệnh và chữa trị.
Sau khi bắt mạch xong, Hoa Đà nói: “Bệnh của phu nhân là do thân thể bị tổn thương trong lúc mang thai, cần phải lấy thai nhi ra.”
Lý tướng quân đáp lại: “Xác thực là thê tử của tôi bị thương trong lúc mang thai. Nàng ấy đã bị sẩy thai.”
Hoa Đà lại nói: “Theo mạch tượng cho thấy thai nhi chưa bị sẩy.”
Lý tướng quân vô cùng kinh ngạc. Một trăm ngày sau, Lý phu nhân bệnh tình trở nặng nên lại cho mời Hoa Đà đến.
Sau khi bắt mạch xong, Hoa Đà nói: “Mạch tượng vẫn như trước, vốn dĩ Lý phu nhân mang song thai. Thai nhi đã bị sẩy trước đó làm cho cơ thể phu nhân mất máu quá nhiều nên không thể sinh thai nhi còn lại. Hiện giờ thai nhi này đã chết rồi và chèn vào lưng của phu nhân.”
Trước tiên, Hoa Đà châm cứu cho Lý phu nhân rồi sau dùng thêm thuốc thang. Một lúc sau, Lý phu nhân cảm thấy muốn sinh nhưng không sinh được.
Hoa Đà nói: “Thai nhi đã bị khô cứng rồi nên không thể tự mình sinh được, phải có người lấy nó ra mới được.”
Quả nhiên, Hoa Đà đã lấy được bào thai đã chết ra.
Thần nhân truyền Đạo
Hoa Đà thường đến viếng những vùng núi và hang động có danh tiếng. Một hôm, ông đến trước một hang động cổ trong núi Công Nghi, đột nhiên nghe thấy có người đàm luận về phương pháp trị bệnh. Hoa Đà vô cùng tò mò, chạy vào trong động nghe trộm.
Một lúc sau, một người trong đó nói: “Học trò Hoa Đà đã đến trước mặt rồi, có thể truyền y thuật cho cậu ấy.”
Tuy nhiên, người còn lại nói: “Hoa Đà bản tính tham lam, không thương xót chúng sinh nên không thể truyền cho cậu ấy.”
Hoa Đà đi vào trong động thì nhìn thấy hai vị trưởng lão, thân khoác lớp vỏ cây, trên đầu đội mũ cỏ.
Hoa Đà bái kiến hai vị trưởng lão và nói: “Con luôn thích thú với y thuật nhưng đáng tiếc là vẫn chưa gặp được cao nhân. Con hi vọng hai vị hiền giả nhận lấy lòng thành này của con, truyền cho con y thuật. Cả đời này con sẽ không phụ ân huệ của hai vị.”
Trưởng lão nói: “Chúng ta có thể truyền y thuật cho cậu nhưng chỉ e là sẽ mang đến rắc rối cho cậu những ngày sau này. Nếu như cậu không xem địa vị người khác cao hay thấp, giàu hay nghèo, không phân biệt cao sang hay bần hàn, không kiếm tiền trục lợi, không quản cực nhọc thì cậu có thể thoát khỏi tai họa.”
Hoa Đà bái kiến hai vị trưởng lão lần nữa và nói: “Con không dám quên lời dặn dò của bậc thánh hiền. Con sẽ làm được.”
Hai vị trưởng lão cười rồi chỉ tay về phía đông và nói: “Trên chiếc giường bằng đá có một cuốn sách, cậu hãy tự mình xem. Cậu phải mau chóng rời khỏi hang động. Cậu phải giữ bí mật và không được để cho người thường nhìn thấy.”
Hoa Đà lấy cuốn sách xong, quay đầu nhìn lại thì không thấy hai vị trưởng lão đâu nữa. Hoa Đà sợ hãi lập tức rời khỏi hang động. Trong nháy mắt, hang động sụp đổ xuống.
Mượn thuốc chữa bệnh tham lam
Thời Tam Quốc, có hai chú cháu tên là Dương Tu và Dương Đãng cùng phò tá cho Tào Tháo. Dương Tu chịu trách nhiệm quản lý văn thư hộ tịch trong tướng phủ. Dương Tu thông minh, học rộng nhưng kiêu ngạo, lại thường hay đối đầu với Tào Tháo. Cuối cùng, ông bị Tào Tháo khép tội làm loạn và xử chết.
Dương Đãng chịu trách nhiệm quản lý lương thực trong quân ngũ. Tuy chức quan không lớn nhưng ông đã dùng thủ đoạn để chiếm lợi ích riêng cho mình. Ông thường cắt xén quân lương để bỏ túi riêng. Khi Dương Tu chết thì Dương Đãng cũng không còn chỗ để dựa dẫm. Trong tâm Dương Đãng thấp thỏm bất an, tự biết rằng phận mình sẽ không lâu. Ông sợ Tào Tháo khép tội đồng lõa với chú mình nên đã lên kế hoạch kiếm món lợi lớn trong một lần áp tải quân lương, rồi sau sẽ cáo lão hồi hương. Nhưng thật không may là Dương Đãng đột nhiên mắc phải căn bệnh lạ. Ông không bị sốt, cũng không đau đầu, chỉ là bị tức ngực. Tựa hồ như có một tảng đá nặng đè lên ngực, khiến cho ông đứng ngồi không yên, nằm xuống lại càng khó chịu hơn. Ông cho mời không ít thầy thuốc giỏi nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.
Về sau, Dương Đãng nghe nói có thần y Hoa Đà ở vùng lân cận. Ông nhiều lần cho mời Hoa Đà đến trị bệnh; nhưng Hoa Đà sớm đã biết về Dương Đãng nên ông nhiều lần mượn cớ không đi. Không còn cách nào, Dương Đãng đành bảo con trai mình đến cầu xin Hoa Đà. Con trai Dương Đãng khóc lóc nỉ non trước mặt Hoa Đà. Hoa Đà trông thấy người con trai cầu xin vô cùng thành khẩn nên đã đồng ý đến bắt mạch cho Dương Đãng. Thông qua bốn phép chẩn “vọng văn vấn thiết”, Hoa Đà đã kê hai đơn thuốc cho Dương Đãng và bảo ông ta y theo mà làm.
Sau khi Hoa Đà đi khỏi, Dương Đãng mở đơn thuốc thứ nhất ra xem.
Ông chỉ thấy trên đơn thuốc viết tên của tám vị thuốc: “Nhị ô, quá lộ hoàng, hương phụ tử, liên kiều, vương bất lưu hành, pháp hạ, tất bạt, chu sa.”
Là một người am hiểu văn cổ nên Dương Đãng đã lấy đồng âm các chữ đầu của tám vị thuốc này ghép lại thành một câu có ý là: “Một người sẽ bị xử chết bởi vì đã làm hai việc sai trái liên tiếp nhau.”
Những toan tính trong tâm của Dương Đãng đã bị Hoa Đà điểm trúng. Ông ta kinh hồn khiếp vía, trán đầm đìa mồ hôi. Tuy nhiên, lúc đó ông ta lại cảm thấy cơn đau ngực có thuyên giảm. Dương Đãng liền vứt bỏ ý niệm xấu muốn thừa cơ trục lợi từ việc cắt xén quân lương.
Ông ta lại mở tiếp đơn thuốc thứ hai ra xem thì ngay lập tức la lớn: “Ôi trời!”
Sau đó, ông ta ói ra máu tươi rồi rơi vào hôn mê. Người nhà nhìn thấy liền thất kinh, khóc lóc ỷ ôi.
Trên đơn thuốc vốn viết tên các vị thuốc sau: “Thường sơn, nhũ hương, quan quế, mộc hương, ích mẫu thảo, phụ khối.”
Sau khi ghép đồng âm các chữ đầu tiên trong tên của sáu vị thuốc này thì có ý là: ”Tặng cho ông chiếc quan tài.”
Dương Đãng xem đơn thuốc này xong thì không thể chịu được, vô cùng phẫn nộ và sợ hãi.
Một lúc sau, trong khi người nhà vẫn đang khóc thương thì Dương Đãng chợt tỉnh lại. Ông mở mắt ra, cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng và sáng sủa. Cảm giác tức ngực cũng không còn nữa, bệnh tình hoàn toàn hồi phục.
Bấy giờ Hoa Đà không mời mà đến, ông nói với Dương Đãng: “Triệu chứng tức ngực của ông là do máu tắc nghẽn trong bụng, do tâm tham lam gây ra. Bấy giờ khi ông đổ mồ hôi và ói ra máu bị ứ đọng thì những thứ xấu cũng theo đó mà ra. Hiện giờ ông sẽ cảm thấy người còn hơi yếu, tôi kê cho ông một đơn thuốc bồi bổ, ông cứ y theo mà làm thì sẽ khỏi.”
Dương Đãng làm theo lời Hoa Đà dặn, quả nhiên thân thể dần dần khỏe mạnh. Từ đó trở đi, Dương Đãng không còn dám làm việc cắt xén quân lương nữa.
Nguồn gốc của nền y học Thần truyền
Vương Bột là người sống vào những năm đầu đời nhà Đường. Ông đã để lại tác phẩm nổi tiếng tên là “Đằng Vương các tự”. Vương Bột có một người bạn thân tên là Tào Nguyên, thời đó ngụ ở Trường An. Căn cứ theo “Tân Đường thư, Truyện kể về Vương Bột”, ông và Tào Nguyên kết giao làm bằng hữu. Ông học được rất nhiều y thuật bí truyền từ Tào Nguyên. Trong “Hoàng đế bát thập nhất nạn kinh tự”, Vương Bột đã tiết lộ về việc truyền thừa y đạo một cách trật tự như sau: từ Kỳ Bá → Hoàng Đế → Lịch cửu sư → Y Doãn → Thương Thang → Lịch lục sư → Khương Thái Công → Văn Vương → Lịch cửu sư → Y Hòa → Lịch lục sư → Biển Thước → Lịch cửu sư → Hoa Đà → Lịch lục sư → Hoàng Công → Tào Nguyên. (Trật tự này được ghi lại trong “Văn uyển anh hoa” thời nhà Tống)
Nguồn gốc của “y đạo” bắt đầu từ Thượng đế (Ngọc hoàng Thượng đế), sau truyền cho tiên sư (Sư phụ của Kỳ Bá) và Kỳ Bá, rồi truyền cho Hoàng Đế (Thượng đế → Tiên sư (Sư phụ của Kỳ Bá) → Kỳ Bá → Hoàng đế). Hoàng Đế lại truyền “y đạo” cho Lôi Công, về sau truyền cho Hoàng thất nhà Thương và nhà Chu, rồi lại truyền tiếp cho Biển Thước thời Chiến Quốc (2.400 năm trước) và Hoa Đà vào những năm cuối thời Đông Hán (1.800 năm trước). Biển Thước và Hoa Đà được gọi là “Thần y” bởi vì họ là những đệ tử chính truyền của “y đạo” từ Hoàng Đế. Vậy nên, điều triển hiện ra là y thuật thần kỳ như nhìn thấu thân thể người (thấu thị nhân thể), thuật rửa ruột cắt mở lồng ngực (dùng dao làm phẫu thuật).

Cách để Cài đặt lại driver WiFi

Đồng tác giả: Nhân viên của wikiHow
Driver (trình điều khiển) Wi-Fi cũ hoặc bị lỗi có thể khiến máy tính không kết nối được với mạng Internet. Nếu trình điều khiển Wi-Fi có vấn đề, bạn chỉ cần cài đặt lại là có thể truy cập vào mạng. Trước tiên, hãy tải phiên bản driver mới nhất bằng kết nối Internet có dây. Như vậy, bạn sẽ có thể gỡ bỏ driver hiện tại khỏi Device Manager (Trình quản lý thiết bị) một cách an toàn và tiến hành quá trình cài đặt lại mà không gặp trở ngại.

Phần1
Tải driver

  1. 1
    Cắm dây mạng vào máy tính. Nếu không thể truy cập Internet thông qua Wi-Fi, bạn có thể lên mạng bằng cách kết nối cổng mạng LAN trên máy tính với cổng LAN trên bộ định tuyến bằng cáp Ethernet.
    • Máy tính Mac không dùng trình điều khiển Wi-Fi. Nếu gặp trục trặc, bạn hãy tìm hiểu cách khắc phục những vấn đề về mạng thường gặp trên máy tính Mac.
  2. 2
    Nhấn  Win+S để mở khung tìm kiếm. Nhằm xác định driver thích hợp dành cho card mạng không dây (thẻ Wi-Fi), bạn cần biết tên gọi của nó. Hãy tìm thông tin trong phần Device Manager.
  3. 3
    Gõ devmgmt.msc vào khung tìm kiếm và nhấn  Enter. Device Manager sẽ hiện ra trên màn hình.
  4. 4
    Đi đến mục “Network Adapters” (Bộ chuyển đổi mạng) trong danh sách các thiết bị. Danh sách tất cả bộ chuyển đổi (adapter) mạng trên máy tính sẽ mở ra, trong đó sẽ có mục chứa từ "wireless" (mạng không dây).[1]
    • Nếu bạn không thấy tùy chọn nào có từ "Wireless," nhấp phải vào từng driver và chọn "Properties" (Thuộc tính). Card mạng không dây sẽ hiển thị dòng “Wireless Card” bên dưới mục “type” (loại).
  5. 5
    Nhấp vào thẻ “Driver”.
  6. 6
    Ghi lại tên và phiên bản bộ chuyển đổi Wi-Fi. Tên của adapter mạng không dây sẽ nằm đầu thẻ Driver.[2]
    • Ví dụ về tên của một card mạng không dây: “Intel Centrino Advanced-N 6235.”
  7. 7
    Điều hướng đến mục Support (Hỗ trợ) của nhà sản xuất thẻ Wi-Fi. Đây là nơi bạn sẽ tìm những liên kết tải driver cho thiết bị.
    • Chẳng hạn, nếu card mạng không dây của bạn do Intel sản xuất, hãy truy cập www.intel.com và nhấp vào “Support.”
  8. 8
    Tìm kiếm theo tên của thẻ Wi-Fi. Đây là tên mà bạn đã ghi lại trước đó. Sau khi tìm được thẻ Wi-Fi, hãy nhấp vào liên kết để truy cập trang web của sản phẩm.
  9. 9
    Tải trình điều khiển dành cho phiên bản Windows của bạn. Có thể bạn cần nhấp vào liên kết với nội dung như “Download” (Tải), “Software” (Phần mềm) hoặc “Drivers” để tìm các liên kết tải xuống.
    • Hầu hết các tổ chức cung cấp driver định dạng “.exe”, vì thế rất dễ để bạn tải và cài đặt.
    • Lưu tập tin tải về tại vị trí dễ nhớ như thư mục Downloads hoặc màn hình nền.

Phần2
Gỡ driver hiện tại

  1. 1
    Trở lại mục Device Manager và mở rộng danh sách “Network Adapters”. Bây giờ chúng ta sẽ tiến hành gỡ bỏ driver hiện tại.
  2. 2
    Nhấp phải vào card mạng không dây bên dưới tiêu đề “Network Adapters” và chọn “Properties”.
  3. 3
    Đi đến thẻ “Driver”, sau đó nhấp vào “Uninstall” (Gỡ cài đặt). Cửa sổ yêu cầu xác nhận sẽ bật lên.
  4. 4
    Nhấp vào “OK” để xác nhận. Mục dành cho card mạng không dây sẽ biến mất khỏi danh sách “Network Adapters”.

Phần3
Cài đặt driver

  1. 1
    Nhấp đúp vào tập tin .exe mà bạn vừa tải. Chương trình hệ thống sẽ cài đặt các driver mạng không dây.[3]
    • Nếu tập tin có đuôi “.zip” thay vì “.exe”, nhấp phải vào tập tin và chọn “Extract All” (Trích xuất tất cả). Chọn một thư mục để giải nén các tập tin rồi nhấp vào “Extract” (Trích xuất). Cuối cùng, nhấp đúp vào tập tin .exe nằm trong thư mục mà bạn đã chọn.
  2. 2
    (Nếu không có tập tin .exe) Nhấp vào thực đơn "Action" (Hành động) ở đầu cửa sổ Device Manager, sau đó chọn "Scan for hardware changes" (Quét những thay đổi phần cứng). Trình quản lý thiết bị sẽ quét qua máy tính để tìm driver cho phần cứng.[4]
    • Khi tìm thấy driver, Windows sẽ tự động cài đặt. Nếu muốn kiểm tra xem trình điều khiển mới đã được cài đặt chưa, hãy mở rộng danh sách adapter mạng và tìm mục của bộ chuyển đổi Wi-Fi.
    • Nếu không tìm thấy driver, máy tính sẽ yêu cầu bạn duyệt tìm thư mục chứa tập tin trình điều khiển. Điều hướng đến thư mục mà bạn đã giải nén file nén .zip, sau đó nhấp “OK” hoặc “Install” (Cài đặt).
  3. 3
    Làm theo hướng dẫn trên màn hình để cài đặt driver. Màn hình sẽ khác nhau tùy vào hệ điều hành và card mạng không dây, nhưng thông thường bạn sẽ phải đồng ý với các điều khoản của nhà sản xuất trước khi tiến đến nút “Install”.
    • Nếu trình cài đặt yêu cầu bạn khởi động lại máy tính sau khi quá trình thiết lập hoàn tất, nhấp “OK” hoặc “Restart Now” (Khởi động lại ngay bây giờ) khi được nhắc.
  4. 4
    Ngắt kết nối dây mạng LAN. Để chắc rằng mình kiểm tra đúng loại kết nối, bạn cần rút cáp Ethernet khỏi cổng mạng LAN trên máy tính.
  5. 5
    Kết nối với mạng Wi-Fi của bạn và truy cập vào https://www.wikihow.com. Nếu vấn đề đúng là do driver thì bây giờ bạn đã có thể truy cập wikiHow bằng mạng không dây.
    • Thử khởi động lại máy tính nếu vẫn chưa kết nối được. Sau đó, mở Device Manager và chạy “Scan for new hardware” lần nữa.
    • Nếu vẫn chưa khắc phục được, vấn đề có thể không nằm ở driver.

Lời khuyên

  • Thiết lập cho Windows tự động cập nhật sẽ giúp cho driver mạng không dây luôn được cập nhật.
  • Nhiều vấn đề kết nối Internet có thể được giải quyết bằng cách rút dây điện phía sau bộ định tuyến hoặc điểm truy cập Wi-Fi, sau đó cắm trở lại. Thao tác này nhằm làm mới lại “chu kỳ năng lượng”.
  • Thử dịch chuyển máy tính lại thật gần bộ định tuyến/điểm truy cập Wi-Fi.