Trang

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Thế giới khác trong một giọt nước (Phần 6)

Thế giới khác trong một giọt nước: (Phần 6) Nước chảy và nước tĩnh

Tác giả: Ngọc Mính
[Chanhkien.org] Đặc tính của nước phụ thuộc vào nguồn nước. Người ta biết rất rõ về nước vào thời Trung Quốc cổ đại. Một thành ngữ thường được sử dụng là “Kính Vị phân minh” (nước sông Kính và sông Vị là hoàn toàn khác nhau). Người ta cũng nói rằng rất dễ để xác định nguồn nước tại ngã ba sông Kính và sông Vị. Nước từ sông Kính thì nhiều bùn, trong khi nước từ sông Vị thì rất trong. Mặc dù nước của hai con sông bị trộn lẫn vào nhau, ranh giới giữa chúng lại thật rõ ràng.
Những người lữ hành trên sông Dương Tử  (Trường Giang) sẽ thấy sự phân biệt trong màu nước tại một số nơi mà nước hồ hòa vào nước sông Dương Tử. Nước khác nhau không dễ trộn lẫn với nhau.
Cuốn sách Cảnh Thế Thông Ngôn có kể lại cố sự về hai nhà văn nổi tiếng, Vương An Thạch [1] và Tô Đông Pha [2]. Vương An Thạch bị chứng sổ mũi, và uống trà được pha với nước sông Trường Giang tại vùng Trung Hiệp sẽ rất tốt cho sức khỏe của ông. Khi Vương An Thạch nghe nói rằng Tô Đông Pha sẽ trở về Tứ Xuyên để thăm gia đình, ông đã nhờ Tô Đông Pha mang về một ít nước ở đó. Khi Tô Đông Pha trở lại, ông đã mang về cho Vương An Thạch một chút nước. Vương An Thạch ngay lập tức đun sôi nước này và đem pha trà. Mất một lúc trà mới ngấm vào nước.
Vương An Thạch hỏi Tô Đông Pha: “Đây có phải nước từ Trung Hiệp hay không?” Tô Đông Pha trả lời: “Sao thế, à. Tất nhiên là như vậy rồi.” Vương An Thạch cười nói: “Ông nói dối. Rõ ràng nó là nước từ Hạ Hiệp.”
Tô Đông Pha sững sờ và phải thú nhận ngay. “Tôi đã tận hưởng phong cảnh tại Tam Hiệp nhiều đến mức quên mất lời nhờ vả của ông. Đến khi tới Hạ Hiệp thì tôi mới nhớ ra.” Ông đã quyết định lấy một ít nước ở đó và nghĩ rằng sẽ không có sự khác biệt nào.
Vương An Thạch nói: “Trong cuốn Sơn Thủy Kinh Chú có ghi chép những quan sát kỹ lưỡng về đặc điểm của nước sông Trường Giang. Nước tại Thượng Hiệp chảy quá nhanh, còn nước tại Hạ Hiệp lại chảy quá chậm. Nước tại Trung Hiệp chảy vừa phải. Bệnh của tôi là do ‘trung tiêu’, và do đó cần nước sông tại Trung Hiệp để mở kinh mạch. Nước sông Dương Tử  mà pha trà thì nước ở Thượng Hiệp làm trà bị nồng, nước ở Hạ Hiệp làm trà bị nhạt, nước ở Trung Hiệp là vừa phải. Hôm nay trà ngấm vào nước rất chậm, cho nên tôi biết đây là nước từ Hạ Hiệp.”
Tô Đông Pha bèn tạ tội.
Nói về cách pha trà, người xưa hiểu rõ về sự khác nhau giữa nước chảy và nước tĩnh. Trong cuốn sách Trà Kinh, tác giả cho rằng nước pha trà phải lấy từ “sơn thủy thượng, giang thủy trung, tỉnh thủy hạ” (trên núi cao, khúc giữa sông và dưới đáy giếng). Ngoài ra, cuốn sách cũng nói rằng nước lấy từ trên núi phải chảy chậm, và nước chảy xiết không thể sử dụng được. Nói cách khác, nước chảy chậm sẽ cho thứ trà ngon.
Lại nói về nước chảy và nước tĩnh, Tôn Tư Mạc [3] trong cuốn sách Thiên Kim Phương cho rằng nước chảy nên được dùng để hấp nhân sâm, trong khi nước tĩnh không thể được dùng với mục đích này.
Dùng đúng thuốc là một vấn đề then chốt vì nó liên quan đến tính mệnh; và đôi khi, những thứ tưởng chừng vặt vãnh như chất lượng nước lại có ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Nước chảy và nước tĩnh do vậy nên được sử dụng cho những mục đích khác nhau. Trong cuốn sách Mộng Khê Bút Đàm, tác giả cho rằng một số loài cá chỉ có thể sống trong nước tĩnh và chúng sẽ chết nếu bị thả ra sông. Sách này cũng nói rằng một loại cá chép có thể sống cả trong nước chảy và nước tĩnh, nhưng những con sống nơi nước chảy mang dấu trắng trên lưng và có mùi vị thơm ngon; còn những con sống nơi nước tĩnh mang dấu đen trên lưng và mùi vị rất chán.
Ghi chú của người dịch:
[1] Vương An Thạch (王安石; 18/12/1021 – 21/5/1086), tự Giới Phủ (介甫), hiệu Bán Sơn Lão Nhân (半山老人), người ở Phủ Châu – Lâm Xuyên (nay là huyện Đông Hương, tỉnh Giang Tây), là một nhà văn nổi tiếng thời nhà Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc.
[2] Tô Thức (苏轼, 8/1/1037–24/8/1101), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.
[3] Tôn Tư Mạc: (孙思邈, 581-682) Một danh y đời nhà Đường, là người tu Đạo nên thường được gọi là Tôn chân nhân. Người đời sau tôn ông là Dược Vương.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2003/2/25/20537.html
http://www.pureinsight.org/node/1564

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét