Bài viết của một học viên ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-12-2015] Ngay khi tôi nhận được bài kinh văn mới “Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015”, tôi đã đọc đi đọc lại bài này. Càng đọc tôi càng cảm nhận được sự từ bi vô hạn của Sư phụ và càng nhận thức được sự nghiêm túc của tu luyện. Tôi hiểu rằng không có gì là chuyện nhỏ trong tu luyện, do đó chúng ta không thể bỏ qua từng ý niệm, ngôn, hành.
Tôi cảm thấy thật có lỗi vì đã không tinh tấn. Sư phụ không muốn để rớt lại dù chỉ một đệ tử. Ngài kiên nhẫn giảng Pháp cho chúng ta, nghiêm túc chỉ ra những vấn đề tồn tại cho các đệ tử Đại Pháp và bảo cho chúng ta cách tu luyện với sự từ bi vô hạn.
Trong bài giảng, Sư phụ đã hỏi nhiều lần câu hỏi: “Thì làm sao đây?”. Mỗi lần như vậy giống như một tiếng sấm, đánh thức tôi khỏi trạng thái tu luyện trì trệ. Trong thâm tâm tôi cảm thấy mình không xứng đáng với sự cứu độ từ bi của Sư phụ.
Tôi đã tu luyện nhiều năm, nhưng vẫn có nhiều chấp trước, một số trong đó vẫn rất mạnh mẽ và cố hữu. Thỉnh thoảng tôi thậm chí còn quên mất rằng mình là một người tu luyện và xử lý các việc với suy nghĩ và quan niệm người thường, để lại một ấn tượng xấu và làm hoen ố thanh danh của Đại Pháp và đệ tử Đại Pháp một cách không tự biết. Kết quả là, tôi đã có sơ hở để tà ác dùi vào và bức hại tôi dưới hình thức nghiệp bệnh.
Sư phụ đã dạy chúng ta ngay trong phần mở đầu của bài “Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015”:
Bất kể một tâm nào, bất kể một loại chấp trước gì, đều sẽ thành khó nạn cho tiến bộ và đề cao của chư vị, đồng thời cũng sẽ bị cựu thế lực, những nhân tố tà ác kia lợi dụng, nhất định thế. Mỗi từng chấp trước của chư vị, đều sẽ tạo thành chư vị tu không thành. Mỗi từng chấp trước có thể đều sẽ tạo ra xuất hiện các trạng thái trên thân thể chư vị, tạo thành dao động nơi tín niệm kiên định vào Đại Pháp.
Tôi nhớ lại một số việc đã xảy ra gần đây và điều này đã giúp tôi có được nhận thức sâu sắc hơn về lời giảng Pháp của Sư phụ trong bài giảng mà tôi muốn chia sẻ. Tôi muốn tóm tắt những đề cao trong quá trình tu luyện của mình và hy vọng rằng nó có thể là một tham khảo cho các đồng tu.
Tệ hơn cả một người thường
Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo và được giáo dục phải tiết kiệm. Đó là một đặc điểm tốt đối với một người thường nhưng hóa ra lại là một chấp trước lớn đối với một học viên. Tôi đã nỗ lực để buông bỏ chấp trước này kể từ khi tôi bắt đầu tu luyện, nhưng nó vẫn là một chấp trước dai dẳng. Thỉnh thoảng tôi lại hành xử tệ hơn cả một người thường trên phương diện này. Tà ác cuối cùng đã dùi vào sơ hở đó và khiến tôi có biểu hiện nghiệp bệnh.
Cuối năm ngoái, dì tôi sống ở hải ngoại đã nhờ tôi giúp bà một việc. Việc này đòi hỏi phải thanh toán một khoản phí. Vì cơ quan xử lý vấn đề này là cơ quan cũ của tôi trước khi tôi nghỉ hưu và tôi vẫn còn giữ quan hệ với mọi người ở đó nên tôi đã nhờ người quản lý ở đó không thu phí hoặc giảm phí cho tôi. Mặc dù ông ấy đồng ý nhưng là một học viên, đáng lẽ ra tôi không nên yêu cầu ông ấy giảm phí cho mình.
Ngày hôm sau, tôi bắt đầu cảm thấy khác lạ, và tôi chảy máu rất nhiều. Tôi không quan tâm đến nó cho tới khi tôi bị chảy máu trong hơn 10 ngày.
Tôi bắt đầu hướng nội xem gần đây mình có làm sai chuyện gì không, và sau đó tôi nhớ lại việc này. Tôi nhận ra rằng, mặc dù người quản lý giảm phí cho tôi, có lẽ không phải là vì anh ấy thấy đó là điều hợp lý mà là vì sự nể nang của anh ấy đối với yêu cầu của một đồng nghiệp lâu năm.
Tôi đã tiết kiệm được tiền nhưng điều đó có nghĩa là cơ quan đã mất tiền. Đại Pháp dạy chúng ta phải nhận thức rõ về vị kỷ vị tư. Hành xử của tôi là trái ngược lại. Không phải là có quá nhiều sự vị tư và vụ lợi đằng sau việc tôi làm sao? Tôi nhận ra sai lầm của mình và ngay lập tức nhận lỗi với Sư phụ. Tôi quyết định đóng góp số tiền mà tôi đã tiết kiệm được đó cho điểm sản xuất tài liệu.
Vì tôi đã nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi, ngày hôm sau tôi không còn bị chảy máu nữa.
Tháng 9, tôi tới ngân hàng để rút tiền.Một hàng người dài đang đợi ở đó, khoảng 40-50 người đã lấy số và đứng xếp hàng trước tôi. Tôi sẽ phải đợi khoảng 2-3 tiếng mới có thể rút tiền. Vì hôm đó tôi cần tiền, nên tôi không thể rời đi. Tôi không kiên nhẫn, vì vậy sau khi đợi một lúc, tôi bắt đầu rất lo lắng.
Tôi gặp người quản lý là một người quen của mình và hỏi xem liệu anh ấy có còn số nhỏ hơn nào mà những người khác đã bỏ lại hay không. Anh ấy đưa tôi một vài cái để chọn. Tôi vui mừng và đã lấy một số có thời gian đợi ngắn nhất. Chưa đầy một giờ đồng hồ sau tôi đã lấy được tiền và trở về nhà.
Chiều hôm đó, tôi bắt đầu cảm thấy không khỏe. Tôi cảm thấy như thể cơ thể mình bị trói chặt và rất nặng. Đầu tiên, tôi nghĩ rằng mình đang trải qua nghiệp bệnh, ngay sau đó tôi nhận ra rằng chắc hẳn tôi đã làm gì đó sai khiến tà ác dùi vào. Tôi nhớ đến việc mình đã làm ở ngân hàng vào buổi sáng. Tôi nhận ra mình đã sai lầm khi chen ngang và đã không cư xử như một người tu luyện.
Ngay cả một người thường cũng sẽ theo đúng quy định mà xếp hàng chứ không chen ngang. Tôi còn tệ hơn cả một người thường. Dù cho mọi người trong ngân hàng không biết tôi là một học viên, nhưng những sinh mệnh cao tầng và tà ác thì đều biết. Vậy thì đây chẳng phải là một cơ hội tốt để tà ác kiếm cớ bức hại tôi sao?
Phía sau sự lo lắng của tôi (mà lúc đầu đã cho thấy tôi đã không nhẫn), chẳng phải đó là tâm ích kỷ sao? Đại Pháp yêu cầu chúng ta nghĩ cho người khác trước, nhưng tôi chỉ biết đến bản thân mình – tôi đã nhanh chóng làm xong việc của mình nhưng những người khác lại phải đợi lâu hơn. Đó là hành vi của một đệ tử Đại Pháp sao?
Tôi đã bị sốc khi thấy được thiếu sót của mình và ngay lập tức nhận lỗi trước Sư phụ. Tôi quyết định phải bỏ đi thói quen xấu này và hứa sẽ không bao giờ lặp lại.
Vì tâm tính của tôi đã đề cao, Sư phụ bắt đầu thanh lý cơ thể cho tôi. Tối đó trong giấc mơ của tôi, có ai đó đã cúi xuống và lấy ra thứ gì đó trong thắt lưng của tôi. Sáng hôm sau, tôi không còn cảm giác bị trói chặt nữa.
Cơ hội để ngộ
Hai sự việc trên đây là những việc nhỏ trong cuộc sống của tôi, nhưng qua đó tôi đã ngộ được như sau:
Thứ nhất, học Pháp tốt là điều kiện cần thiết để đề cao trong tu luyện. Qua một loạt những sự việc xảy ra trong tu luyện của mình, tôi đã có thể ngộ sâu sắc hơn lý do tại sao Sư phụ đã liên tục nhắc chúng ta phải học Pháp tốt.
Theo thể ngộ của tôi, khi chúng ta tu luyện trong xã hội người thường, chúng ta có xu hướng bị tác động bởi những quan niệm, hành vi, và thói quen trên bề mặt. Nếu không học Pháp tốt, một học viên có thể thiếu chính niệm và không thể xem xét mọi thứ chiểu theo Pháp hoặc không nhận ra vấn đề, chứ chưa nói tới là sửa chữa thiếu sót. Nếu những sự việc nhỏ này tiếp tục tiếp diễn, chúng ta sẽ tích tiểu thành đại và nó sẽ trở thành những khảo nghiệm lớn rất khó vượt qua. Thời gian trôi qua, học viên đó sẽ mất đi tín tâm tu luyện, và khi đức tin bị lay động, tà ác sẽ kiếm cớ đó để lôi học viên đó xuống. Có nhiều những ví dụ như vậy.
Chính niệm đến từ Pháp, và một học viên phải học Pháp cho tốt.
Thứ hai, tu luyện là cực kỳ gian khổ và nghiêm túc phi thường. Sư phụ vẫn thường nhấn mạnh đến sự nghiêm túc trong tu luyện.
Theo thể ngộ của tôi, khi một người mang đầy truy cầu và nghiệp lại muốn trở thành thần, làm sao có thể được nếu người đó không trải qua những khổ nạn trong môi trường khắc nghiệt và đối đãi với mọi thứ một cách nghiêm túc?
Sư phụ đã dạy:
[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người. (Bài giảng thứ nhất –Chuyển Pháp Luân)
Trong quá trình buông bỏ chấp trước, một học viên sẽ trải qua những thăng trầm và thậm chí có lúc còn phạm lỗi. Nhưng, học viên đó phải dũng cảm đối mặt với sai lầm để không lặp lại sai lầm đó. Một người sẽ không bao giờ thấy hối hận khi tin rằng phạm sai lầm là không thể tránh khỏi và sau đó tha thứ cho bản thân mà không sửa lỗi. Tu luyện là nghiêm túc và một học viên phải tỉnh táo và nghiêm túc.
Thứ ba, một học viên phải học cách hướng nội và bước đi tốt trên con đường đã được Sư phụ an bài. Bất kỳ một đệ tử Đại Pháp chân chính nào cũng biết rằng tu luyện yêu cầu phải hướng nội. Tuy nhiên, vì tình huống của mỗi người mỗi khác, nên những chi tiết và quá trình hướng nội cũng khác nhau. Với một số học viên, ngay khi vấn đề phát sinh (chẳng hạn như bị thương hay nghiệp bệnh), suy nghĩ đầu tiên xuất hiện là thuần khiết và ngay chính: “Mình đã có những niệm nào không phù hợp chăng?” hay “Mình đã làm điều gì đó không đúng?” Sau đó, học viên này sẽ kiểm tra lại tất cả những suy nghĩ và hành động để tìm ra vấn đề.
Tuy nhiên, với một số học viên khác, mặc dù họ nói rằng mình đang hướng nội, trên thực tế họ lại nghĩ khác: “Mình đã làm một việc tốt và không làm điều gì sai. Sao mà chuyện này lại có thể xảy ra chứ?” Những học viên khác có thể nói: “Tôi không biết làm cách nào để xử lý việc này. Tôi đã hướng nội nhưng không tìm thấy vấn đề nào.” Và một số học viên có thể đơn giản cho rằng đó là tiêu nghiệp mà không hề hướng nội.
Về việc hướng nội như thế nào, Sư phụ đã nhẫn nại chỉ bảo chúng ta trong bài giảng này:
Chúng ta có những học viên không vượt qua nổi quan [ải] nghiệp bệnh. Chư vị không cần nghĩ tới chỗ lớn. Chư vị bảo ‘Tôi không có sai lầm gì lớn, rất kiên định với Pháp’. Nhưng mà, chư vị không được coi những việc nhỏ thành những việc chẳng đáng kể. Tà ác sẽ chui vào sơ hở, rất nhiều học viên là vì việc nhỏ mà thậm chí đã ra đi rồi, cũng quả thực đều vì những việc hết sức nhỏ bé. Là vì tu luyện là nghiêm túc, là vô lậu, chư vị tại những việc đó qua thời gian lâu mà không tu [vượt] qua, tuy là nhỏ, chư vị thời gian lâu không coi trọng, thì chính là sự việc rồi, cho nên rất nhiều người là vì thế mà ra đi.
(“Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015”)
Là những đệ tử Đại Pháp thực sự, chúng ta phải đặt tâm để hiểu được đoạn giảng Pháp này cho tốt và không bỏ qua những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta phải chú ý tới từng ý từng niệm từng hành của mình. Khi nhận thức được sai lầm, chúng ta phải quy chính ngay lập tức.
Khi tâm tính chúng ta đề cao và chấp trước của chúng ta yếu dần đi, Sư phụ mới có thể giải thể tà ác bức hại chúng ta và “nghiệp bệnh” của chúng ta mới biến mất.
Đối với tôi, tôi phải trân trọng cơ duyên ngàn đời có một này để tu luyện. Tôi sẽ xứng đáng với sự cứu độ từ bi của Sư phụ và sẽ làm tốt ba việc. Tôi phải chú ý tới mọi hành động và suy nghĩ của mình trong cuộc sống thường ngày và bước đi cho tốt trên con đường thành thần mà Sư phụ đã an bài cho tôi. Tôi phải thường hằng tinh tấn và theo Sư phụ trở về nhà.
Xin vui lòng chỉ ra những gì không phù hợp. Hợp thập.

Đăng ngày 14-01-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.