Văn hóa thần truyền: Hai câu chuyện cổ về tôn sư trọng đạo
Bài viết của Trí Chân
[MINH HUỆ 10 – 05 – 2012] Tôn sư trọng đạo là các giá trị truyền thống trong văn hóa Trung Hoa cổ xưa, các danh ngôn như “Sư đồ như phụ tử”, và “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” từ xưa đến nay rất phổ biến. Người học trò coi ân đức của người thầy tựa như cha của mình, vì vậy mới gọi ông là “ân sư” hay “sư phụ”. Người thầy truyền thụ luân lí đạo đức, tri thức và các giá trị tốt đẹp cho học trò của mình. Dạy người những hành vi quy phạm đối nhân xử thế trong xã hội nói chung. Trong khi theo học người thầy, người học trò không phải chỉ hiểu được các đạo lí cung kính phụng sự người thầy, mà còn phải nghiêm ngặt thực hiện những gì mà người thầy dạy bảo. Dưới đây là vài câu chuyện kể về việc cổ nhân tôn sư trọng đạo như thế nào.
Vua Nghiêu vua Thuấn tôn kính Hứa Do
Hứa Do là một học giả nổi tiếng và có đạo đức cao thượng thời Trung Quốc cổ đại. Ông xem các tiêu chuẩn đạo đức quan trọng hơn lợi ích cá nhân, và theo như cuốn “Trang Tử” thì ông là thầy của vua Nghiêu. Còn theo cuốn “Lã Thị Xuân Thu” thì ông cũng là thầy của vua Thuấn. Cả ba người đều được coi là bậc thánh nhân.
Trong thời trị vì của vua Nghiêu, Trung Quốc là một vùng đất yên bình và trù phú. Mặc dù vua Nghiêu đã bổ nhiệm nhiều người tài trí phò tá trong việc cai trị đất nước, ông vẫn lo lắng còn nhiều người có đức có tài vẫn đang mai danh ẩn tích. Để tìm được những người đó, vua Nghiêu thường tìm kiếm khắp nơi, kể cả những vùng làng quê và miền núi xa xôi hẻo lánh. Khi vua Nghiêu nghe nói về một người tên gọi Hứa Do là người đoan chính và có đạo đức cao thượng, ông đã không quản đường xa để đến gặp Hứa Do. Sau khi trò chuyện xong, Hứa Do nhận thấy vua Nghiêu quả thực là một vị minh chủ. Còn vua Nghiêu ngưỡng mộ học thức uyên thâm về các nguyên lý vũ trụ của ông, và mời ông về làm thầy dạy cho mình.
Sau khi trở về cung, vua Nghiêu nghĩ về việc phong cho Hứa Do chức danh gì. Vì vậy, ông đã tạm thời giao việc triều chính cho quan Đại Tư Nông và đi mời Hứa Do về cung. Khi gặp Hứa Do tại một tệ xá, vua Nghiêu rất mực cung kính và bái ông làm thầy. Vua Nghiêu nói: “Đệ tử tài kém, đức mỏng. Khi mới tiếp quản đất nước có phát nguyện rằng sẽ tạm thời lên ngôi báu, nhất định sẽ ghé thăm tất cả những bậc hiền nhân trong thiên hạ và mời một trong số họ về giao cho họ quyền cai quản đất nước. Hiện nay đệ tử nghĩ rằng tài đức của lão sư tựa như ánh nhật nguyệt, các bậc hiền nhân trong thiên hạ không ai sánh kịp. Đệ tử nguyện mang cả giang sơn nhường lại cho ngài. Xin ngài đừng do dự mà hãy đảm nhận để làm an lòng muôn dân trăm họ.” Hứa Do đáp: “Bệ hạ đã cai quản giang sơn được quốc thái dân an và vạn dân phong nhạc. Đây toàn bộ là công lao của bệ hạ. Nếu giờ đây nhường lại cho thần tiếp nhận, chẳng phải có nghĩa là thần đang vì danh mà làm hay sao?” Vua Nghiêu năm lần bảy lượt cố gắng thuyết phục Hứa Do tiếp nhận, nhưng ông đã kiên quyết khước từ. Khi vua Nghiêu đến thăm Hứa Do vào ngày hôm sau, ông đã rời đi, và không ai biết ông đã đi đâu.
Vua Nghiêu tiếp tục tìm kiếm Hứa Do và một năm sau cuối cùng cũng tìm thấy ông đang cày ruộng dưới chân núi Tung Sơn. Một ngày, trong lúc đang làm việc trên cánh đồng, Hứa Do nghe thấy tiếng ai đó gọi lớn và đang tiến đến: “Thầy ơi.” Hứa Do nhìn quanh và thấy vua Nghiêu. Ông ngạc nhiên hỏi: “Bệ hạ đến đây để làm gì? Thần có thể giúp gì được chăng?” Vua Nghiêu nói: “Lần trước học trò định đem thiên hạ nhường lại cho thầy vì học trò kém tài đức mỏng e rằng sẽ làm hại muôn dân trăm họ. Không ngờ thầy khước từ và bỏ đi. Sau khi suy nghĩ thấu đáo, học trò thấy rằng vẫn không ai có thể hơn thầy. Vì lẽ đó mà học trò lại đến thỉnh cầu thầy đảm trách nhiệm đứng đầu Cửu Châu (chỉ chín khu vực hành chính của Trung Quốc thời xưa, sau dùng để chỉ Trung Quốc). Được vậy thì quả thực là không chỉ may mắn cho học trò mà còn cho cả vạn dân thiên hạ.” Hứa Do nghe tới đó bèn nói: “Bệ hạ nói vậy thần đây chưa hiểu rõ ý. Thần chưa từng nghe nói ai đó làm chủ Cửu Châu, ngoài Thiên tử, và đó chính là bệ hạ.” Vua Nghiêu nói: “Nguyên ban đầu thì không có chức quan đó. Chẳng qua đệ tử thỉnh cầu lão sư phụ tá nên đã đặc biệt lập ra chức quan đó để bày tỏ sự thành khẩn của mình. Xin thầy hãy nhận cho.” Hứa Do một lần nữa từ chối và quy về ở ẩn tại một nơi vắng vẻ không ai tìm thấy được. Người đời biết đến câu chuyện này và khen ngợi sự rộng lượng và khiêm tốn của vua Nghiêu, và cảnh giới của Hứa Do.
Thời còn cày ruộng ở Lịch Sơn, vua Thuấn thường nhường cho người khác những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ vì ông coi trọng sự nhún nhường và nhân nghĩa. Trong vòng sáu tháng, những người nông dân ở đó đã nhận những mảnh đất cằn cỗi và cũng nhường cho người khác những mảnh đất màu mỡ. Người dân ở Lịch Sơn đều kính trọng vua Thuấn đến nỗi thay vì lẽ ra phải là quan lệnh xử án thì đôi khi ông lại là người được yêu cầu đứng ra phán xử. Vì ông mà nhiều người đã chuyển tới sống ở Lịch Sơn, khiến cho vùng xa xôi hẻo lánh này dần dần trở thành một nơi phồn thịnh. Người dân nơi đó gọi Vua Thuấn là thánh nhân, ý là: “Những người mà thánh nhân gặp thực sự sẽ được cảm hóa. Thánh nhân dạy chúng ta dùng nghĩa và nhường nhịn, không dạy chúng ta lấy lợi và tranh giành.”
Một lần sau khi cày ruộng xong, vua Thuấn dạo chơi ở Ki Sơn, ông thấy một ông lão đang tiến về phía mình. Sau đó ông lão bỗng dưng bị vấp vào một hòn đá và ngã xuống đường. Vua Thuấn vội vàng nâng ông lão dậy rồi dìu ông lão đến ngồi nghỉ ở một phiến đá. Vua Thuấn hỏi thăm danh tính và chỗ ở của ông lão. Ông lão đáp: “Vì sao ngài lại hỏi? Nhiều năm nay lão đã không nói cho ai biết tên của mình.” Sau đó, ông lão hỏi tên của vua Thuấn. Khi vua Thuấn nói tên của mình, ông lão cười và nói: “Ô! Ngài chính là người đó. Lão đã nghe nói rất nhiều về ngài. Thôi được, lão sẽ nói cho ngài biết tên, nhưng chỉ hai chúng ta biết mà thôi.” Sau khi vua Thuấn liên tục cam đoan, lão nhân mới nói: “Lão tên gọi Hứa Do.” Vua Thuấn lập tức quỳ xuống và vái lạy. Ông nói với Hứa Do: “Chẳng hay tiên sinh sống ở đâu? Học trò xin được đưa ngài về nhà.” Hứa Do cười đáp: “Vậy thì tốt quá. Xin đa tạ. Lão sống ở phía bên kia Ki Sơn.” Vua Thuấn đáp: “Có thể được hầu hạ trưởng bối chính là vinh dự của học trò.” Sau khi nói cho vua Thuấn biết nhà, Hứa Do tiếp nhận vua Thuấn làm đệ tử. Ngày hôm sau, vua Thuấn tặng Hứa Do rất nhiều quà để trả ơn thầy. Hứa Do đã giảng cho vua Thuấn rất nhiều đạo lí giúp ông trở thành một vị thánh quân nhân từ cảm hóa thiên địa.
Tằng Tham cẩn trọng tuân theo lời dạy của thầy
Ở tuổi 16, Tằng Tham trở thành học trò của Khổng Tử. Ông siêng học và cẩn trọng tuân theo những lời chỉ dạy của thầy, và là người chủ yếu truyền bá và kế thừa học thuyết của Khổng Tử, giữ một vị trí tiếp nối trọng yếu giữa các thế hệ trong văn hóa Nho gia. Ông đề xuất: “hàng ngày tự xét bản thân nhiều lần,” có nghĩa là hàng ngày ông liên tục tự xét bản thân minh để xem mình đã làm tận tâm tận lực vì người khác chưa, đối với bạn bè bằng hữu có chân thành không, hay đã nghiêm túc chăm chỉ ôn tập bài vở mà thầy truyền thụ chưa.
Có một điển cố nổi tiếng “Tằng Tham thể hiện sự tôn kính”, kể rằng có lần khi Tằng Tham đang ngồi bên cạnh Khổng Tử, Khổng Tử hỏi ông rằng: “Các vị quân vương xưa kia có đức hạnh tột bậc và lí luận vô cùng thâm sâu mà họ dùng để giáo hóa dân chúng trong thiên hạ. Trò có biết vì sao mọi người có thể chung sống hòa thuận với nhau và không có sự bất mãn giữa quân vương với quần thần?” Tằng Tham nghe xong, biết rằng Khổng Tử sắp chỉ bảo cho mình những đạo lý sâu sắc, ông lập tức đứng dậy và đứng bên mép chiếu. Sau đó ông cung kính trả lời: “Đệ tử chưa đủ thông minh để có khả năng hiểu được nguyên do. Thỉnh sư tôn chỉ bảo.” Đây thực sự là một hành động vô cùng lễ phép. Về sau, rất nhiều người đã học tập theo lễ nghi này của Tằng Tham.
Sau khi cùng Khổng Tử rời nước Sở trở về nước Lỗ, ngày nào cũng vậy, Tằng Tham ban ngày cày ruộng và buổi tối thì học cho tới tận đêm khuya. Do không đảm nhận chức quan nào nên cuộc sống của ông vô cùng khó khăn. Vua nước Lỗ khi đó nghe nói đến phẩm hạnh của Tằng Tham, đã quyết định tặng ông một thực ấp. Tằng Tham kiên quyết từ chối, nói rằng ông không làm thì không hưởng. Sứ giả được phái đến thuyết phục ông: “Không phải do tiên sinh cầu xin thì sao lại không nhận?” Tằng Tham chân thành đáp: “Tôi thường nghe người ta nói rằng kẻ cho thì kiêu ngạo, kẻ nhận thì phải khúm núm. Cho dù người cho đó không hề kiêu ngạo, làm sao tôi có thể không khúm núm?” Khổng Tử biết được sự việc này, ông đã khen ngợi học trò: “Lời nói của Tằng Tham đủ để giữ tròn tiết tháo của trò ấy.”
Sau khi Khổng Tử mất, Tằng Tham và những đệ tử khác như Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du và Hữu Nhược thương xót để tang ba năm. Khi hết ba năm, họ cùng nhau hành đại lễ tại mộ của Khổng Tử và sau đó nức nở khóc quay trở về. Tử Hạ, Tử Trương và Tử Du sau đó đề xuất: “Hữu Nhược tướng mạo rất giống thầy, chúng ta có thể coi anh ấy là thầy Khổng Tử và đối với anh ấy thành tâm và lễ tiết như đã làm với thầy Khổng Tử. Làm vậy cũng là thể hiện sự tôn kính với thầy.” Tằng Tham nghe vậy vô cùng tức giận và lập tức phản đối. Ông nghiêm chỉnh nói: “Chúng ta không được làm vậy. Đức hạnh của thầy vô cùng thuần khiết, tựa như được gột sạch bởi nước sông tinh khiết, và sáng chói tựa như được tắm bởi ánh dương mùa thu. Đức của ngài cũng thần thánh thiêng liêng như trời đất rộng lớn vô biên. Làm sao ngài có thể được so sánh với một người có tướng mạo giống ngài?” Mọi người đều kinh ngạc trước những gì Tằng Tham nói, và vô cùng cảm động trước sự đối đãi chân thành đối với thầy cũng như lễ nghi cẩn thận tỉ mỉ của ông.
Bản tiếng Anh: http://en.minghui.org/html/articles/2012/8/31/135237.html
Đăng ngày 28-02-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.
http://vn.minghui.org/news/37499-van-hoa-than-truyen-hai-cau-chuyen-co-ve-ton-su-trong-dao.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét