Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Nhất lộ thánh duyên: “Ma Thiên” quốc và Kim Tự Tháp (3/6)


Tác giả: Khải Hàng
Phần 1 | Phần 2
[ChanhKien.org] Sau khi Ma Thiên quốc được thành lập, Ma Đàn chiêu mộ người có tài năng, ban cho làm quan, xây dựng luật pháp, kiến lập chế độ, làm mọi thứ vận hành theo tuần tự.
Khi Ma Thiên quốc thành lập, Ma Đàn đã 48 tuổi, mọi thứ đã ổn định rồi, hôn sự của quốc vương cũng trở thành chuyện lớn mà người dân trong nước quan tâm.
Lúc này, có hai người con gái lọt vào tầm mắt của quốc vương. Một người là con gái của tả đại thần Trí Khải, tên là Diệu Cát; còn người kia là con gái của hữu đại thần Huyền Phàm, tên là Tú Hàm.
Diệu Cát có nước da rám nắng, vầng trán rộng, lông mày thẳng, hai đầu lông mày cách xa nhau, đôi môi dày. Tú Hàm có nước da trắng nõn, tướng mạo thanh tú xinh đẹp, môi hồng răng trắng, lông mi cong cong, ánh mắt long lanh.
Mới đầu Ma Đàn rất có cảm tình với Tú Hàm, cảm thấy Tú Hàm có gương mặt rạng rỡ, cử chỉ nhanh nhẹn, nhiệt tình, khiến cô trở nên nổi bật. Còn Diệu Cát cử chỉ đoan trang, không nói nhiều, nhưng lại có cách nhìn thấu đáo về mọi việc, có lúc khiến Ma Đàn cảm thấy bất ngờ. Diệu Cát không hay mở miệng cười, nhưng khi nàng cười, nụ cười nở ra từ khóe miệng, rạng rỡ cả khuôn mặt, nụ cười trong trẻo, vẻ mặt dịu dàng. Khi ở cùng với Diệu Cát, tâm tình Ma Đàn rất bình tĩnh hòa ái, rất thoải mái. Ma Đàn cảm thấy thích cả hai cô gái, không biết chọn ai. Ông khấu bái hỏi ý Thần linh, nhưng Thần linh không hiển hiện. Ma Đàn đành tự mình chọn lựa.
Ma Đàn đang chuẩn bị vài chuyện đại sự quốc gia, ông đề cập trước tiên với Tú Hàm. Tú Hàm tính tình hoạt bát, chưa nghe hết lời đã bắt đầu phát biểu ý kiến, thể hiện cách nhìn đối với một số sự việc, lại còn thêm thắt sự tưởng tượng của bản thân, có lúc cao hứng đến nỗi nhảy cả lên. Khi Ma Đàn đưa ra ý kiến trái chiều, Tú Hàm liền bĩu môi, nũng nịu túm vạt áo của Ma Đàn, bảo Ma Đàn phải nghe theo ý kiến của mình, khiến Ma Đàn nhất thời quên hết tất cả.
Sau khi rời khỏi Tú Hàm, Ma Đàn cảm thấy đầu óc choáng váng. Mà cách ăn mặc và trang điểm của Tú Hàm không chú ý tiểu tiết, khiến cho Ma Đàn sinh ra niệm đầu bất hảo. Tú Hàm làm cho Ma Đàn không thể chuyên tâm làm việc, tâm trí xao động, ảnh hưởng đến tinh lực, điều này làm ông rất bất an: là một vị quốc vương, không quy chính bản thân thì sao có thể giáo hóa bách tính đây?
Khi Ma Đàn bàn bạc với Diệu Cát một số sự việc, Diệu Cát trước tiên luôn lắng nhe, sau đó hỏi lại quốc vương, rồi mới nói ra kiến giải của bản thân, lại còn bổ sung chỗ thiếu sót của Ma Đàn. Dù có chỗ khác với ý kiến của quốc vương, nhưng nàng vẫn có thể nói một cách bình tĩnh hòa ái. Ở bên cạnh Diệu Cát, Ma Đàn có một cảm giác giống như ở bên một người bạn tri kỷ, rất thoải mái, vui vẻ. Ma Đàn còn phát hiện rằng, Diệu Cát không những thông minh mà còn có đạo đức cao thượng, biết giữ gìn lễ tiết, đề xuất các ý kiến ngày càng tốt hơn. Cán cân tình cảm trong tâm Ma Đàn bắt đầu nghiêng về phía Diệu Cát.
Ma Đàn còn quan sát hai người con gái này ở một số chỗ đông người. Ông phát hiện ở nơi nào đông người tất sẽ có mặt Tú Hàm, nàng luôn trang điểm lộng lẫy và trở thành tiêu điểm chú ý của mọi người, nàng cảm thấy vinh dự vì điều đó. Nhưng Diệu Cát lại không hay xuất hiện, dù xuất hiện cũng không gây sự chú ý, nàng thường chào hỏi mọi người xung quanh, quan tâm hỏi han người già và trẻ em. Sự trầm tĩnh, khoan dung của Diệu Cát đối lập hoàn toàn với tính cách sôi nổi, phóng túng của Tú Hàm.
Còn một chi tiết nhỏ khiến Ma Đàn đưa ra quyết định cuối cùng. Vào những lúc khác nhau, hai cô gái cùng quốc vương đi dạo trên hành lang, Tú Hàm như con bướm tung tăng bay nhảy, làm quốc vương hoa cả mắt, có lúc sà vào lòng quốc vương; còn Diệu Cát lặng lẽ theo sau, cảm giác yên bình, thoải mái, khiến cho quốc vương chỉ muốn đi tiếp.
Cuối cùng Ma Đàn quyết định chọn Diệu Cát làm vợ. Trong tâm ông nghĩ: “Ta không thể chỉ chú trọng dung mạo xinh đẹp khiến ta mê mẩn tinh thần mà bỏ qua đức tính tốt đẹp, hãy để Diệu Cát phụ trợ ta trị vì quốc gia, xoa dịu tinh thần ta những lúc ta mệt mỏi! Ta sao còn có thời gian vui chơi cùng Tú Hàm cơ chứ?
Sau khi Ma Đàn đưa ra quyết định, tối hôm đó ông nằm mơ thấy trên mặt đất có bốn đôi giầy, trong đó có hai đôi giầy to, và hai đôi giầy nhỏ. Ma Đàn tỉnh dậy vô cùng vui mừng, cho rằng giấc mộng này báo trước rằng Diệu Cát sẽ sinh cho ông một nam một nữ.
Lựa chọn của Ma Đàn làm Tú Hàm trở nên lạc lõng, đố kỵ và đau khổ, sắc mặt nàng tái nhợt đi hồi lâu, nàng từng giận dỗi không muốn xuất giá.
Quốc trung đại tướng Tử Nhiên là người nhân hậu, độ lượng, phẩm hạnh và tướng mạo đều tốt. Anh rất quan tâm đến Tú Hàm, về sau đã lấy Tú Hàm làm vợ. Coi như Tú Hàm cũng có chỗ nương tựa tốt.
Ma Đàn lựa chọn Diệu Cát rồi, Diệu Cát vẫn ung dung bình tĩnh, khiến Ma Đàn càng thêm khen ngợi.
Khi Ma Đàn 60 tuổi, Diệu Cát mang thai, sinh hạ một bé trai. Ma Đàn về già mới có con khiến ông vui mừng khôn xiết. Khi con trai chào đời, Ma Đàn thấy trên bầu trời xuất hiện mây ngũ sắc, lại nghe thấy từng hồi tiên nhạc, nên Ma Đàn cho rằng con trai của mình là do trời ban thưởng, ông càng thêm mừng rỡ.
Ba ngày trước khi con trai Ma Đàn chào đời, Diệu Cát có một giấc mơ, nàng mơ thấy một cuộn khí màu tím bay từ xa đến, khí màu tím dần dần tản ra, rồi xuất hiện một vị thần hai tay cầm liềm, sắc mặt màu tím, phong thái uy nghiêm. Bỗng nhiên vị thần này tiến về phía Diệu Cát nhoẻn miệng cười, Diệu Cát trong chốc lát tỉnh lại. Nàng cảm thấy vô cùng bồn chồn khó hiểu, trong lòng nghĩ, vị thần có vẻ mặt trang nghiêm như thế, sao bỗng dưng lại vui mừng hớn hở đến vậy? Diệu Cát thấy rất kỳ lạ, nhưng nụ cười khiến nàng cảm thấy rất ấm áp. Vì thế Ma Đàn và Diệu Cát đặt tên cho con trai là Ma Lạc.
Năm năm sau, Diệu Cát lại mang thai, nàng sinh hạ được một bé gái. Bé gái mới sinh được hai ngày liền biết mỉm cười với cha mẹ, cha mẹ bé vui mừng vô hạn. Niềm hạnh phúc khiến Ma Đàn cảm thấy trái tim mình như bông hoa đang nở vậy. Trước khi bé gái sinh ra, Diệu Cát trong lúc mơ mơ tỉnh tỉnh đã nhìn thấy đóa hoa sen ngũ sắc lớn từ trên trời rơi xuống, lại nghe thấy tiếng tiên nhạc vọng đến, rồi nhìn thấy hoa sen từ lớn biến thành nhỏ mà tiến vào trong bụng. Vì thế bé gái được đặt tên là Ma Thái.
Ma Lạc rất yêu mến em gái, thường hay ngắm nhìn dáng vẻ ngủ say của em gái hồi lâu, cố chờ đợi em gái tỉnh dậy. Ma Thái tỉnh dậy, mở to mắt, nhìn thấy anh trai liền vui mừng, bàn tay nhỏ múa may, sờ mặt anh trai, nói những câu ê ê a a không ai nghe hiểu được. Ma Lạc cảm thấy rất vui, thường hay lấy những đồ chơi đẹp cho em gái xem, chọc em cười. Những lúc đó Ma Thái liền mở to mắt nhìn, có lúc cười thành tiếng. Khi Ma Thái biết đi, cô bé cứ như hình với bóng đi theo sau anh trai. Anh trai cũng rất biết chăm sóc em gái, Ma Lạc còn hình thành thói quen, buổi tối ru cho em ngủ rồi mình mới đi ngủ. Diệu Cát khẽ nói với Ma Đàn: “Con trai mình quý mến em gái nó như vậy, chúng ta sau này không phải lo con gái bị bắt nạt nữa.”
Con trai Tử Hành của Tú Hàm, được ba tuổi, cũng cùng tuổi với Ma Thái. Chúng chơi cùng nhau, không có chút chừng mực kiêng nể gì, có lúc Tử Hành còn xô Ma Thái ngã, Ma Thái liền khóc to, tay vừa che mặt khóc, vừa nhìn qua kẽ ngón tay mách anh trai, cô bé cảm thấy rất khoái chí, rồi rất nhanh lại chuyển sang cười.
Khi Ma Lạc được 15 tuổi, Ma Thái được 10 tuổi, Ma Đàn và Diệu Cát lần lượt qua đời. Hai anh em vô cùng đau buồn, nhớ đến vòng tay ấm áp của mẹ, nụ cười đầy yêu thương và hiền hậu của cha, Ma Thái liền khóc không nguôi. Ma Lạc cố nén đau thương, an táng cha mẹ, an ủi em gái. Nhưng sự kiện này là một cú sốc lớn, Ma Lạc có lúc tinh thần cũng rất sa sút, khi ở bên em gái hai anh em đều rơi nước mắt. Nhưng trách nhiệm với quốc gia đã nhắc nhở Ma Lạc không thể mãi như vậy. Sau khi cha mẹ qua đời được 3 tháng, Ma Lạc kế vị làm vua, cậu cần cù tận tụy cai trị quốc gia.
Ma Thái thỉnh thoảng nửa đêm tỉnh dậy, không ngủ được, liền tay xách giầy, nhẹ nhàng đi chân không đến chỗ anh trai, nhìn xem anh trai đã ngủ hay chưa. Cô bé rón rén chạy đến trước cửa, vừa đặt đôi giày xuống, liền nghe thấy bên trong nói vọng ra: “Là em gái phải không? Vào đi!
Ma Thái vừa nghe thấy tiếng anh trai, trong tâm thấy xót xa, miệng mếu máo, nước mắt tuôn rơi, tay giữ cửa mà không đi vào. Ma Lạc nhè nhẹ đẩy cửa ra, lau nước mắt cho em gái, kéo tay em gái đi đến bên cửa sổ. Hai anh em không nói gì, xung quanh tĩnh lặng. Một lát sau, Ma Thái bình tĩnh trở lại. Ma Lạc nói: “Em gái, về phòng ngủ đi!” Ma Thái gật gật đầu. Ma Lạc đỡ vai em, đưa trở về phòng, rồi dùng tiêu thổi khúc nhạc nhẹ nhàng du dương, đến khi em ngủ thì Ma Lạc mới rời đi.
Ban ngày sau khi xong việc quốc sự, Ma Lạc dẫn em gái đi chơi xa, để xoa dịu nỗi đau buồn mất cha mẹ của em gái. Sau hai ngày, Ma Lạc phát hiện em gái không khóc nữa. Ma Thái nói với anh trai: “Trong hai ngày này em mơ thấy cha mẹ đang ở trên thiên thượng, trên thân cha mẹ phát ra ánh sáng. Mẹ nói với em: ‘Con à, đừng khóc nữa, ta mong con luôn vui vẻ’. Sau đó, em nhìn thấy hai chữ ‘vui vẻ’ bay vòng quanh trước mặt em, em nhớ rằng mình phải vui vẻ.” Ma Lạc vừa nghe dứt liền vô cùng vui mừng, và sáng tác ra một khúc nhạc, gọi là “Từ ân tụng”, dịch thành văn tự hiện đại, đại ý như sau:
Cha mẹ hiền, mãi ở chốn thiên đường; cha mẹ vui vẻ, ở bên cạnh chúng ta;
Cha mẹ lương thiện, mãi được an khang; Lạc con xin cúi đầu, mong cha mẹ chớ lo lắng ưu sầu.
Từ ái trường tồn, mãi mãi chúng con không quên!
Khi Ma Lạc được 18 tuổi, chàng lấy Văn Mỹ, một người con gái vừa có đức hạnh lại tài năng được người dân trong nước ca ngợi làm vợ. Ma Lạc, Văn Mỹ, Ma Thái ở bên cạnh nhau, tạo nên một bức tranh mỹ lệ: Ma Lạc tóc màu vàng kim, khôi ngô anh tuấn; Văn Mỹ đoan trang, điềm đạm, nho nhã, tính cách điềm tĩnh không màng danh lợi; Ma Thái trắng trẻo, nhu hòa xinh đẹp, hoạt bát đáng yêu, mái tóc dài gợn sóng màu vàng kim rủ trên vai, trước trán đeo trang sức lóng lánh, tay đeo vòng bạc.
Vương hậu Văn Mỹ thích sự thanh tịnh, thành tâm lễ Phật. Ma Thái thích náo nhiệt, những việc Ma Lạc làm cô đều rất muốn tham dự. Hai anh em họ vẫn như trước đây, thường hay ở bên nhau.
Đến khi Ma Lạc 28 tuổi, một hôm Ma Lạc nói với Ma Thái: “Em gái à, anh mơ thấy thần linh điểm hóa rằng anh cần phải xây dựng tháp Phật cao lớn để cung phụng Phật, anh nhìn thấy trong mây trắng hiện ra ngọn tháp màu vàng kim.
Ma Thái mở to mắt, nhìn anh trai rồi nói: “Chuyện này không phải tầm thường đâu, chúng ta phải rất coi trọng, để làm Thần linh vừa lòng.” Ma Lạc gật đầu, rồi miêu tả lại tháp Phật mình nhìn thấy trong mơ cho Ma Thái nghe, đáy tháp Phật hình vuông, bốn bên hình tam giác cân. Cùng với sự miêu tả của Ma Lạc, hình dáng của tháp Phật cũng dần dần hiện lên trong đầu của Ma Thái. Nàng ngạc nhiên nói: “Anh à, tháp Phật xuất hiện trong đầu em, rất đồ sộ, vuông vắn, phát ra ánh sáng màu vàng kim. Này anh, chúng ta gọi nó là Kim tháp nhé!
Ma Lạc giật mình, trầm ngâm suy nghĩ, dừng một lúc rồi nhìn em gái nói: “Sao anh lại cảm thấy hình dáng của tháp Phật này rất quen thuộc, sau khi nghe thấy hai chữ ‘Kim tháp’ anh lại cảm thấy chấn động, trong lòng cảm thấy ấm áp vậy nhỉ? Trong chuyện này nhất định ẩn chứa điều mà chúng ta không biết, sao anh đột nhiên cảm thấy ý nghĩa to lớn của việc xây Kim tháp, cảm giác thấy trách nhiệm mình gánh vác lại to lớn và quan trọng thế?
Thế là hai anh em quyết định làm theo điểm hóa của Thần bắt tay vào xây dựng tháp Phật.
(Còn tiếp) 
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2013/01/22/116340.一路圣缘:摩天国与金字塔(三).html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét