[MINH HUỆ 17-06-2013]
Tiếp theo Phần I
Câu chuyện diệt trừ sắc
Nếu con người không tin nhân quả báo ứng, thì việc giới sắc cũng không có cơ sở. Nếu không biết trọng Đức, giới sắc cũng không có ý nghĩa. Nếu không thử hỏi vì sao con người sống trên đời, thì không có mục tiêu giới sắc. Trên thực tế, làm người dù cho cảnh giới đạo đức cao hay thấp, báo ứng đều sẽ giáng xuống, chứ cơ bản không hề liên quan đến việc bản thân có tin hay không.
1. Bái phục đức độ người quân tử (Dương Châu Cam Tuyền huyện chí)
Nguyên Tần Chiêu, người Dương Châu, phải làm lễ tròn hai mươi tuổi nên ông đi thuyền tới Kinh Sư. Ông đã bước lên thuyền thì một người bạn họ Đặng, dùng rượu tiễn bước. Trong lúc đang uống rượu, đột nhiên y cho dẫn đến một giai nhân tuyệt sắc. Họ Đặng lệnh cho nàng tới bái kiến Chiêu mà rằng: “Cô gái này là thiếp của một vị đại nhân nào đó của bộ nào đó, nếu huynh tiện thì xin hãy dẫn cô ấy đi cùng.” Chiêu từ chối hết lần này đến lần khác. Họ Đặng nghiêm mặt mà rằng: “Sao huynh lại cố chấp như vậy? Nếu huynh không thể giữ mình thì cô gái này là của huynh, nhưng phải mất 2.500 xâu tiền.” Chiêu bất đắc dĩ đành phải nhận lời.
Thời tiết nóng nực, côn trùng và muỗi rất nhiều, khổ nỗi cô gái không có màn, Chiêu lệnh cho nàng nằm cùng màn với mình, do từ Nội Hà phải mấy mươi ngày mới tới kinh thành, nên giao cô gái lại cho bà chủ nhà trọ, ông tự mình dò hỏi tin tức của viên quan đó. Bèn hỏi rằng: “Ngài tới có dẫn theo gia quyến không? Chiêu đáp: “Chỉ có mình tôi.”
Viên quan đột nhiên xuất hiện trước mặt, dùng thư của người bạn họ Đặng, cưỡng ép lệnh đón người thiếp trở về nhà. Đến đêm, mới biết cô gái chưa thất thân. Người đó xấu hổ không ngừng, ngày hôm sau lập tức đưa thư về báo tin cho họ Đặng, không ngừng ca ngợi đạo đức của Chiêu. Sau đó y đến bái kiến Chiêu bèn nói: “Các hạ thực là quân tử đại đức, thiên cổ hiếm gặp. Tối qua tôi có bụng nghi ngờ, đã dùng bụng tiểu nhân mà đo lòng quân tử, thực vô cùng hổ thẹn.”
2. Địch Nhân Kiệt danh tướng thời Đường
Thời Địch Nhân Kiệt còn trẻ, phong thái tao nhã quý phái, mặt mũi thanh tú, tướng mạo khôi ngô. Trên đường đi thi ông thuê một căn phòng nhỏ. Đêm khuya tĩnh lặng ông chong đèn đọc sách, đột nhiên một thiếu phụ kiều diễm bước vào phòng. Hóa ra là con dâu chủ nhà trọ, nàng mới kết hôn không lâu nhưng chồng nàng đã qua đời, ban ngày gặp Địch Nhân Kiệt tuấn tú phi phàm, xuân tình thức dậy khó kiềm chế bản thân, nàng đợi đến canh thâu mượn cớ xin lửa tới dẫn dụ Địch Nhân Kiệt.
Không ngờ Địch Nhân Kiệt dù biết được nguyên do nàng tới, nhưng vẫn không hề động tâm, còn rất thiện ý mà rằng: “Thấy nàng kiều diễm mỹ lệ rung động lòng người, khiến ta nhớ tới lời của lão hòa thượng.” Cô gái hiếu kỳ dò hỏi xem đó là lời nói gì, Địch Nhân Kiệt mượn cớ đó mà dẫn dắt nàng rằng: “Trước khi đến Kinh thành, ta tá túc trong chùa đọc sách, lão hòa thượng trong chùa nhìn tướng mạo của ta, mà cảnh báo ta rằng: ‘Tướng mạo thí chủ đường bệ, tương lai ắt có tin vinh hiển phú quý. Nhưng phải nhớ kỹ, nhất thiết không được tham sắc phạm dâm, bằng không tiền đồ sẽ bị hủy hết.’ Ta nói: ‘Mỹ nữ xinh đẹp ai ai cũng thích, làm thế nào mới có thể ước chế loại dục niệm này?’
“Lão hòa thượng dạy ta rằng: ‘Khi thí chủ gặp giai nhân diễm lệ, dục niệm nổi lên, nếu coi giai nhân đó như hồ ly tinh hút máu người, như độc xà quỷ quái; coi diện mạo thanh tú diễm lệ của nàng như kẻ ốm nặng vàng vọt, xấu xí, tựa như mặt quỷ vậy, hình dung ‘làn da, ánh mắt mê hồn của nàng như người sắp chết, mặt mũi tái mét, xám xịt, mặt rỗ tổ ong; hình dung dáng vẻ yểu điệu của nàng như máu mủ hôi tanh, lở loét thối rữa, vô số ruồi nhặng bâu đầy, khiến người ta phải bịt mũi bước đi; Chỉ cần giao hợp với cô ấy, thí chủ không chỉ bị hút hết tinh huyết, tinh khí khô kiệt, mà bách bệnh thâm nhập, bản thân phải chịu đựng nỗi dày vò của ma bệnh. Nếu có thể hình dung như vậy, niệm dâm lửa dục sẽ lắng lại như tảng băng lạnh vậy.’
“Lời dạy bảo của lão hòa thượng ta vẫn luôn ghi nhớ trong tâm. Cho nên vừa rồi mới thấy dung nhan, dáng vẻ diễm lệ khiến người ta động lòng của nàng, chính là lúc lửa dục vọng của ta nổi lên, thì lời của lão hòa thượng lập tức vang vọng bên tai. Ngọn lửa dục vọng đang hừng hực lập tức tắt ngấm. Nàng có thể gìn giữ thủ tiết, cũng rất khó nhưng đáng quý, đừng nên vì cảm xúc nhất thời mà bại hoại danh tiết của nàng. Hơn nữa trên nàng còn có phụ mẫu đã cao tuổi, dưới còn cậu con trai nhỏ tuổi, đều cần nàng đảm đương chăm sóc. Nếu ta và nàng gian dâm, mà nàng đi theo ta, phụ mẫu và con trai nàng sẽ mất đi chỗ dựa. Đức hạnh thủ tiết của người phụ nữ thời xưa luôn được người đời ca tụng, như Hàn Cửu Anh, do sợ gặp phải kẻ hiếu sắc sàm sỡ gian dâm mà dùng dao cắt mũi mình; lại như phu nhân của Cao Trung Cử gặp phải quỷ sắc dục, đã dùng cán gương đâm mù hai mắt, hủy hoại dung nhan nhằm bảo toàn trinh tiết. Còn có rất nhiều tiết phụ vì giữ gìn trinh tiết mà có người thì nhảy xuống giếng tự tử, có người dùng dầu nóng tự hủy hoại dung nhan, dùng mọi cách để chắc chắn có thể bảo toàn sự trong sạch của mình.”
Người thiếu phụ nghe xong lời của Địch Nhân Kiệt, cảm động mà nước mắt tuôn rơi, cảm tạ mà rằng: “Cảm tạ đại đức của ân công, ngài không chỉ giúp ta giữ gìn trinh tiết, lại còn dạy ta cách kiềm chế dục vọng. Từ nay về sau ta nhất định lòng như nước phẳng lặng, thanh khiết như nước, như ngọc, kiên trì thủ tiết, để đền đáp lời giáo huấn hôm nay của ân công.” Sau đó cảm tạ ông vài lần mới cáo từ.
3. Hàn Ngụy Công (Tống sử)
Vào thời nhà Tống khi Hàn Kỳ đảm nhiệm chức tể tướng, ông có mua một người thiếp họ Trương dung mạo diễm lệ. Sau khi ký giao ước, cô gái đột nhiên rơi lệ. Hàn Kỳ hỏi nàng có chuyện gì. Nàng nói: “Thiếp vốn là vợ của Lang Quách, năm ngoái ông ấy bị bộ Sử ngụy tạo tội danh, cho nên mới lâm vào bước đường hôm nay.” Hàn Kỳ cũng buồn lòng thay cho nàng, liền để nàng mang tiền về nhà trước, đợi sau khi chồng nàng được minh oan nàng sẽ quay trở lại. Sau khi thiếu phụ họ Trương đi, Hàn Kỳ đã minh oan cho chồng nàng và chuẩn bị chuyển đi nhận chức quan khác.
Trương Thị theo lời giao ước đến nhà Hàn Kỳ, Hàn Kỳ không gặp nàng, chỉ sai người nói với nàng rằng: “Ta thân là tể tướng, sao có thể lấy thê tử của kẻ sỹ làm thiếp được? Số tiền lần trước đưa cho nàng không cần trả lại ta nữa.” Và trả lại nàng tờ khế ước, còn cho nàng 20 lạng bạc làm lộ phí, giúp phu thê nàng lại được đoàn tụ. Trương Thị cảm kích đến rơi lệ, nàng ngưỡng vọng bái lạy Hàn Kỳ mới rời đi. Sau này Hàn Kỳ được phong làm Ngụy Quân Vương, tên hiệu là Trung Hiến, được con cháu đời đời ca ngợi.

Đăng ngày 14-01-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.