Hướng nội giúp thay đổi môi trường bên ngoài
Bài viết của Tĩnh Tu, một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 21-01-2014] Do cơ thể có nhiều bệnh tật nên tôi bắt đầu có động lực tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Không lâu sau khi bắt đầu luyện công, tôi đã có lại sức khoẻ của mình. Khi cuộc bức hại bắt đầu, chồng và gia đình tôi kịch liệt phản đối tôi tu luyện. Nhưng sau khi tôi không chú ý đến họ nữa mà thật sự hướng nội vào những chấp trước của bản thân, họ đã dần dần thay đổi. Thông qua việc này, cuối cùng tôi cũng nhận ra ý nghĩa của việc đề cao tâm tính. Dưới đây là những chia sẻ của tôi.
Tôi từng là một người bảo thủ và nóng nảy, đó cũng là một phần lý do khiến sức khỏe của tôi không tốt. Tôi mắc bệnh tim, suy thận và viêm khớp trong nhiều năm. Tôi mới 40 tuổi nhưng trông như một người đã 60 tuổi. Tôi không thể làm được việc gì.
Một người bạn của tôi nói rằng: “Pháp Luân Đại Pháp có tác dụng chữa bệnh rất kỳ diệu. Nhiều người đang tập luyện, hơn nữa lại không mất tiền.” Vậy nên tôi quyết định thử.
Được tịnh hoá trong giai đoạn đầu của tu luyện
Một buổi sáng tháng 07 năm 1997, tôi đến một quảng trường. Lúc đó là 3 giờ sáng nhưng tôi kinh ngạc thấy ở đó đã có hơn 100 người đang luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi liền tham gia cùng mọi người. Khi tôi đang luyện bài công pháp thứ 2 thì bỗng trời tối sầm và tôi ngất xỉu
Bốn phụ đạo viên chạy lại và hỏi:” Có chuyện gì xảy ra vậy?” Tôi đáp:”Tôi cảm thấy không khoẻ. Tôi không thể thấy gì cả và cảm thấy rất mệt.” Một người trong số họ nói: “Chị đừng sợ. Có thể là do căn cơ của chị tốt nên Sư phụ ngay lập tức tịnh hoá cơ thể cho chị.”
Tôi nôn rất nhiều dịch và đồng thời bị tiêu chảy. Tôi nghĩ: “Mình chưa ăn hay uống gì vậy mấy chất lỏng này ở đâu ra?” Sau khi chịu đau đớn, tâm trí tôi bỗng trở nên sáng tỏ, thân thể nhẹ nhàng. Tôi không thể quên được cảm giác tuyệt vời đó. Tôi nhận ra Pháp Luân Đại Pháp không phải là môn tu luyện tầm thường.
Tôi kiên trì luyện công mỗi ngày. Một phụ đạo viên nói: “Bạn cũng nên đọc sách Đại Pháp.” Tôi cầm sách Chuyển Pháp Luân trên tay và nhìn vào hình Sư phụ. Nhìn Ngài rất thân quen nhưng tôi không thể nhớ đã gặp Sư phụ ở đâu. Tôi quyết định sẽ bắt đầu học Pháp.
Trong quá trình học, tôi bắt đầu cảm thấy buồn một cách vô cớ và không thể cầm nước mắt của mình. Nước mắt dường như xuất phát từ tận đáy lòng tôi nhưng tôi không thể hiểu vì sao tôi khóc. Sau đó tôi chợt nhận ra Pháp Luân Đại Pháp không phải là môn trị bệnh mà là công pháp tính mệnh song tu của Phật gia.
Sau khi tu luyện ba tháng, tất cả bệnh tật biến mất, trông tôi trẻ hơn hẳn.
Quản lý nhà máy nói: “Làm cách nào mà trông chị trẻ như vậy?” Tôi nói với cô ấy rằng mình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cô ấy nói: “Quả là một môn tu luyện tốt! Tôi cũng sẽ tập.” Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành đàn áp trước khi cô ấy bắt đầu tu luyện.
Nhiều quan chức ĐCSTQ đã hỏi quản lý của tôi rằng: “Có ai tập Pháp Luân Đại Pháp trong nhà máy của chị không?” Cô ấy nói không nhưng thực tế ở đây có ba học viên. Cô ấy biết rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt và muốn bảo vệ chúng tôi.
Từ hướng ngoại thành hướng nội
Tu luyện cá nhân trở thành tu luyện thời Chính Pháp kể từ sau ngày 20 tháng 07 năm 1999 khi cuộc bức hại bắt đầu. Bây giờ các học viên phải chứng thực Pháp và phản bức hại. Lúc đó, tâm tính tôi rất kém, và tôi luôn cảm thấy mình không chấp nhận được với những vấn đề của người khác.
Khi biết học viên khác có sai sót, tôi sẽ nhẩm một đoạn Pháp của Sư phụ cho anh hay cô ấy nghe và cảm thấy làm vậy là tốt. Thực ra, tôi đã không biết chân chính tu luyện là như thế nào.
Trong quá khứ, tôi thường không biết nhường nhịn nếu nghĩ mình đúng. Tuy nhiên, giờ đây đã là người tu luyện, tôi phải minh bạch lời dạy của Sư tôn: “…đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi hiểu các nguyên lý Pháp nhưng không thể thực hành theo. Khi chồng tôi tức giận, anh ấy có thể đập vỡ bát đĩa và nồi cơm điện, thậm chí thỉnh thoảng còn đánh tôi. Tôi hình thành tâm oán hận anh ấy và chúng tôi thường cãi nhau.
Tôi bắt đầu cảm thấy chán nản và không chịu nổi áp lực từ xã hội và gia đình mình. Tôi cảm thấy bối rối, cay đắng, mệt mỏi và bất công.
Một ngày trong lúc học Pháp, tôi đọc lời giảng của Sư phụ:
“Tôi thấy sự mạnh mẽ không thể hiện ở vẻ bề ngoài này của con người. Chư vị ngày thường giống như một phụ nữ chân chính, dịu dàng, thì năng lực của chư vị cũng sẽ giúp chư vị có được tất cả những gì chư vị đáng có được như thế. Chư vị không hẳn cần phải biểu hiện ra tính dương cứng rắn như đàn ông chư vị mới có thể đạt được [những thứ đó]. Chư vị có hiểu đạo lý tôi giảng không?”(vỗ tay)
“Cũng là nói chư vị là phụ nữ, thì chư vị nhất định cần phải giống như phụ nữ, thiện lương, dịu dàng, thì mới được nam giới tôn kính và yêu mến. Nếu chư vị không thể thiện lương và dịu dàng, nam giới thấy chư vị là sợ hãi, (cười) chư vị sẽ không có được tình yêu và sự ấm áp của gia đình mà lẽ ra nên có.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ Quốc)
Tôi rất sửng sốt và bật khóc. Tôi nói từ tận đáy lòng mình: “Sư phụ, con thậm chí còn không biết làm người bình thường phải như thế nào. Là người tu luyện con thậm chí còn tệ hơn.”
Tôi dần dần bắt đầu thức tỉnh. Lúc đầu, khi chồng tôi lên cơn tức giận, tôi vẫn nhẫn chịu nhưng trong tâm vẫn tức giận. Tôi thấy buồn và nghĩ rằng tu luyện thật khó.
Tôi tự vấn mình: “Tôi có thật sự là đệ tử Đại Pháp hay không? Liệu tôi đến thế giới này chỉ để nghe những lời êm tai hay sao?”
Tôi quyết định mình phải thay đổi và tống khứ hết tâm oán giận với chồng mình.
Một lần, chồng tôi nghe được từ vài người. Họ không hiểu chân tướng và nói rằng Pháp Luân Đại Pháp làm chính trị và rất tệ hại. Khi chồng tôi trở về nhà, trông anh rất tức giận, mặt anh nhăn nhó. Tôi đã rất sợ hãi.
Tôi nghĩ: “Mình phải xử lý việc này thật tốt.”
Ngay lúc đó, tôi nhớ tới Pháp của Sư phụ:
“Do đó [khi] chư vị gặp mâu thuẫn nào đấy, [thì] tôi nói rằng [đó] là để vật chất màu đen của bản thân chư vị chuyển hoá thành vật chất màu trắng, chuyển hoá thành đức.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi nhẫn nại chuyện đó mà không chút phàn nàn. Khi chồng tôi nhìn thấy tôi không có phản ứng gì, anh ấy ngừng la mắng.
Dần dần, tôi không còn nghĩ tới việc thay đổi anh ấy. Thay vào đó, tôi cố gắng thay đổi chính mình. Tôi tự yêu cầu bản thân tuân theo các tiêu chuẩn của Pháp. Kết quả, chồng tôi cũng thay đổi và không còn ném đồ đạc hay la mắng nữa. Thậm chí thỉnh thoảng anh ấy còn giúp tôi rửa bát.
Có lần tôi nghe nói nhiều đặc vụ ĐCSTQ đang âm mưu đến lục soát nhà tôi. Một học viên khác khuyên tôi nên di chuyển tất cả tài liệu giảng chân tướng đi chỗ khác.
Chồng tôi nói rằng: “Đừng đem chúng cho ai cả. Chúng ta không thể để người khác chịu rủi ro như vậy được.” Anh ấy không sợ hãi hay tức giận. Kết quả là đặc vụ đã không tới.
Tôi nhận ra chồng mình phải đối diện với tất cả các loại áp lực từ xã hội nhưng anh vẫn khuyến khích tôi tinh tấn tu luyện. Trước đây tôi đã nghĩ đến cảm xúc của anh chưa? Nếu tôi đặt mình vào vị trí của anh, tôi sẽ cư xử như thế nào?
Khi thay đổi cách nghĩ, tôi đã không còn nhớ tới những điều xấu mà anh đã làm.
Suy nghĩ này cũng áp dụng trong mâu thuẫn với những đồng tu khác. Tôi lúc nào cũng tập trung vào việc sửa lỗi lầm của người khác. Bây giờ tôi không còn rơi vào cái bẫy này nữa và cuối cùng tôi đã biết cách hướng nội.
Ví dụ, có lần tôi nhận ra một học viên mới đang chơi bài. Tôi cố gắng dừng cô ấy lại và nói: “Đệ tử Đại Pháp không nên chơi bài. Thay vào đó hãy học Pháp với tôi.” Cô ấy nhìn tôi một cách miễn cưỡng.
Khi đang học Pháp, cô ấy trở nên rất buồn ngủ và không thể mở hai mắt. Tôi nói đùa với cô ấy rằng: “Sao khi chơi bài chị lại không buồn ngủ.” Cô ấy trả lời: “Đúng, tôi không cảm thấy buồn ngủ vì ở đó có nhiều người.”
Tôi bắt đầu hơi lo lắng và nói: “Có rất nhiều thứ ở thế giới người thường đang mê hoặc con người vậy mà chị thậm chí không thể buông bỏ điều nhỏ nhặt như vậy. Làm sao chị có thể tu luyện được?”
Cô ấy trở nên không vui sau khi nghe tôi nói vậy. Khi tôi thấy cô ấy không thể chấp nhận lời nói của mình, tôi bắt đầu hướng nội. Tôi nhận ra mình đã cư xử bằng nhân tâm và áp đặt suy nghĩ của mình vào cô ấy.
Tôi nhớ lại Pháp của Sư phụ:
“Tôi không chỉ là dạy chư vị Đại Pháp, tác phong của tôi cũng là để lưu lại cho chư vị, ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể!”(Thanh tỉnh, trong Tinh Tấn Yêu Chỉ)
Sau khi điều chỉnh suy nghĩ của mình, tôi đã có thể dễ dàng giải quyết mâu thuẫn. Vấn đề nhỏ này giúp tôi hiểu ra chúng ta không nên lo lắng mỗi khi gặp rắc rối. Chúng ta phải duy trì một tâm thái vững chắc không lay động.
Bản tiếng Anh: http://en.minghui.org/html/articles/2014/2/3/145159.html
Đăng ngày 07-03-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét